Chủ động giãn nợ ở các tỉnh chịu thiên tai
BIDV hỗ trợ 23 tỷ đồng cho các tỉnh bị hạn hán, xâm nhập mặn | |
NHNN chỉ đạo hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn |
Ảnh minh họa |
Cuối tuần qua, Cà Mau là địa phương thứ 5 tại khu vực ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh sau khi có khoảng 50.000 ha lúa tại các địa phương của tỉnh này bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.
Trước đó, các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An và Sóc Trăng đã công bố tình trạng thiên tai trên địa bàn tỉnh mình và kêu gọi toàn hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, hạn hán gây ra.
Hưởng ứng những phát động hỗ trợ người dân ở các địa phương nói trên, đồng thời tiên phong triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị 03 vừa mới được Thống đốc NHNN ban hành, hiện các TCTD trên địa bàn 5 tỉnh khu vực ĐBSCL nói trên đã bắt đầu đưa ra các thống kê thiệt hại về tín dụng và quyết định các giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Ghi nhận tại Kiên Giang, đại diện NH Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện nay đơn vị đã thống kê xong số lượng vốn tín dụng bị thiệt hại với tổng số tiền là trên 40.400 triệu đồng. Hầu hết số vốn này được cho vay theo các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho vay chương trình nước sạch.
Trước mắt, NHCSXH tỉnh sẽ phân loại các khoản vay bị thiệt hại. Sau đó sẽ hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ theo các quy định tại Quyết định 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, nếu trường hợp nào thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40% sẽ tiến hành gia hạn nợ; thiệt hại từ 40-80% sẽ khoanh nợ 3 năm; thiệt hại từ 80-100% sẽ khoanh nợ 5 năm.
Tại Bến Tre, báo cáo nhanh cho thấy rằng hiện nay dư nợ của NHCSXH tỉnh ước khoảng trên 1.700 tỷ đồng đối với tất cả các chương trình tín dụng chính sách. Hiện đơn vị đang rà soát số lượng vốn bị thiệt hại ở 160/164 xã, phường đã công bố thiên tai. Sau đó sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ.
Trong khi đó, đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre cho hay, hiện Chi nhánh Agribank tại địa phương đã công bố dành 500 tỷ đồng vốn trung hạn (lãi suất 9%/năm) để cho vay hỗ trợ người dân mua sắm dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Ngay trong tuần tới các chi nhánh các TCTD trên địa bàn sẽ hoàn thành đánh giá thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Theo những thống kê ban đầu của NHCSXH Việt Nam, đến thời điểm đầu tháng 2/2016, chỉ tính riêng dư nợ cho vay theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã đạt khoảng gần 21.000 tỷ đồng với 2,3 triệu lượt khách có dư nợ. Hiện số nợ quá hạn từ chương trình này đã đạt khoảng 32 tỷ đồng, nợ đã được khoanh là 15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết tiếp tục khắc nghiệt, nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân ở các tỉnh đã công bố thiên tai là rất cấp thiết. Vì vậy NHCSXH sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố rà soát cụ thể từng khoản vay để tiếp tục gia hạn nợ, khoanh nợ từ 3-5 năm đối với các khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước sinh hoạt.
Song song đó, đối với các khoản nợ khác từ các chương trình tín dụng học sinh sinh viên, tín dụng hộ nghèo và cận nghèo, NHCSXH cũng sẽ chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ theo quy định của NHNN nhằm đảm bảo mục tiêu không để học sinh sinh viên nào đang vay vốn từ NHSCXH phải nghỉ học do gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Như vậy, có thể thấy, mới chỉ 20 ngày sau khi Chỉ thị 03 về hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai được NHNN được ban hành, hệ thống các TCTD ở các địa phương đã rất chủ động và tích cực trong việc rà soát, đánh giá thiệt hại và bước đầu đã có những hỗ trợ cụ thể.
Điều này cho thấy, ngành NH luôn là đơn vị đi tiên phong đối với các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội và đóng góp quan trọng cho thành công chung của các chính sách mà Chính phủ đặt ra.