Giày dép: Đón cơ hội từ sóng chuyển dịch
Xu hướng thay đối tác
Trở thành nước xuất khẩu (XK) giày dép lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội cho các DN XK của Việt Nam. Với tiềm năng đó, nhiều thương hiệu lớn của thế giới trong ngành giày da đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến để đặt hàng.
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong nửa đầu năm 2014 các nhà sản xuất giày dép khổng lồ như Nike, Adidas, Puma đã chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh vào Việt Nam. Tương tự với sản phẩm túi xách, các công ty như Lancaster và Sequoia Paris cũng chuyển đầu tư vào Việt Nam để tránh rủi ro.
Sản phẩm da giày Việt Nam đang mở rộng trên thị trường quốc tế
Theo Lefaso, nguyên nhân xu hướng chuyển dịch này là bởi chi phí lao động tại Trung Quốc, Bangladesh… đang ngày càng gia tăng, cũng như các vấn đề về môi trường… Chính sách mới về phát triển công nghiệp của Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến cho một số các thương hiệu quốc tế di dời sản xuất khỏi quốc gia này, trong đó một số dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc đang được chuyển sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam.
Thực tế, nhiều khu vực sản xuất da giày lớn của Trung Quốc cũng đang mất dần tính cạnh tranh. Đơn cử như tại Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), địa phương vốn giữ vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất giày dép Trung Quốc, hay một số thành phố như Ôn Châu, Ôn Lĩnh cũng là nơi sản xuất giày dép quan trọng của nước này, nhưng XK đã chậm lại trong nửa đầu năm 2014. Theo đó, XK giày dép tại thành phố Tuyền Châu giảm 3,6% về lượng, xuống còn 230 triệu đôi, trong khi giá bán tăng 12,5%. Tương tự, giày dép tại thành phố Ôn Châu và Ôn Lĩnh cũng giảm lần lượt 3,92% và 3,94% về trị giá.
Với tỷ lệ nội địa hóa đã được nâng lên ở mức 25%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, được xem là lợi thế giúp các DN ngành da giày tận dụng được cơ hội. Đặc biệt, hoạt động XK giày dép của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm cũng có nhiều khởi sắc, khi tăng đến 22% về giá trị, đạt kim ngạch 5,75 tỷ USD. Theo một chuyên gia trong ngành, so với các nước như Trung Quốc hay các nước sản xuất da giày cạnh tranh khác, chi phí lao động và giá thành sản xuất tại Việt Nam đang ở mức thấp là những lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư và các đơn hàng XK.
Vấn đề từ nội tại
Tuy nhiên, với thực tế sản xuất hiện có của các DN XK nội địa, việc tận dụng các cơ hội từ làn sóng chuyển dịch đơn hàng và đầu tư của các hãng giày nước ngoài còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Công ty Giày Hưng Yên vốn là DN sản xuất, gia công giày lớn của tỉnh này, có năng lực sản xuất lên đến hơn 2 triệu đôi/năm, song hiện chỉ làm gia công cho một nhà nhập khẩu của Đài Loan, với lượng sản xuất khá khiêm tốn hơn 800.000 đôi.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc công ty thừa nhận, dù các hãng giày lớn của thế giới đang chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, song các DN da giày làm gia công như Công ty Giày Hưng Yên rất khó để tiếp cận được những đơn hàng từ các hãng này. Cũng bởi, những thương hiệu lớn thường đặt ra yêu cầu cao về sản xuất và đơn hàng, trong khi năng lực của DN sản xuất tại Việt Nam lại hạn chế, nên dù chỉ là đơn hàng gia công song DN Việt Nam cũng rất khó để đáp ứng được các yêu cầu.
“Điều kiện nhà xưởng, lao động, quản lý, kỹ thuật có đáp ứng được với hãng nổi tiếng nước ngoài hay không là cả một vấn đề. Như với nhà xưởng phải đạt tiêu chuẩn của nước ngoài, do các hãng này đều là DN đã có thương hiệu lớn trên thế giới, một số khách hàng có thể thăm quan nhà xưởng. Hay với lao động, hiện phần lớn công nhân trong ngành đều chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, trình độ thấp nên không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, chính sách tiền lương, lao động hiện còn bất cập, với mức tăng cao quá, có lúc lên đến hơn 170%, rất nặng nề cho các DN sử dụng lao động có trình độ thủ công là chính, nên cũng làm khó DN để có thể nâng cao năng lực và tiếp cận được các đơn hàng trực tiếp từ hãng ngoại”, ông Chiến nói.
Với năng lực hiện có của các DN ngành da giày, theo nhìn nhận của lãnh đạo Công ty Giày Hưng Yên, những DN có thể đáp ứng được yêu cầu của các hãng giày nước ngoài chỉ… đếm trên đầu ngón tay. Theo đó, chỉ có một số DN có quy mô sản xuất lớn, đã xây dựng được thương hiệu như Giày Thượng Đình, hoá dệt Hà Tây… Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cũng cho rằng, hiện phần lớn thị phần da giày XK đang rơi vào tay các DN nước ngoài, trong khi năng lực sản xuất, cung ứng của DN nội lại hạn chế. Do đó, các DN sản xuất trong nước rất khó để tiếp cận được những cơ hội mở rộng đơn hàng từ các hãng giày lớn.
“Năng lực sản xuất thực tế của các DN da giày phía Bắc đang bị giảm nhiều, nên những đơn hàng lớn đều không đảm đương được. Vì DN lớn thường có kênh phân phối rộng nên mỗi lần ra mẫu mã mới họ sẽ đặt hàng nhiều, một DN nội sẽ không đáp ứng được. Vì vậy, với các đơn hàng lớn của các hãng giày lớn đưa ra, các DN Việt Nam không liên kết được với nhau thì sẽ rất khó để đáp ứng được yêu cầu”, ông Chiến lo ngại.
Bài và ảnh Hà Sơn