Góp sức xóa nghèo ở miền Tây xứ Nghệ
Nơi dòng vốn nồng đậm tình người | |
Vốn ưu đãi: Đồng hành cùng hộ gia đình vùng khó khăn | |
“Đòn bẩy” khích lệ người dân thoát nghèo |
Mô hình chăn nuôi gà trong nương rẫy của anh Viêng Văn Viện ở bản Xốp Nậm là một điển hình về sử dụng hiệu quả vốn vay của NHCSXH trong 4 năm trở lại đây tại xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương. Anh Viện cho biết, ban đầu chỉ nuôi gà để tự cung, tự cấp, nhưng thấy gà nuôi ở môi trường này phát triển tốt, thông qua nguồn vay ủy thác từ Hội Nông dân, anh đã bàn với vợ vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tương Dương để chăn nuôi kinh doanh.
Có được những hỗ trợ từ ngân hàng, anh đã tăng quy mô sản xuất theo từng năm. Hiện nay, trang trại gà của anh có trung bình từ 300 đến 500 con, mỗi lứa xuất bán được trên 20 triệu đồng. Bằng hình thức chăn nuôi này, từ hộ nghèo trong bản, đến nay gia đình anh Viêng Văn Viện đã trở thành hộ khá của bản Xốp Nậm xã Tam Hợp.
Anh Viện chia sẻ thêm, từ nguồn vốn ban đầu của ngân hàng, giờ không cần phải đầu tư nhiều nữa, bởi mô hình chăn nuôi này cũng khá đơn giản, nhưng hiệu quả tốt. Mỗi năm trừ các chi phí, gia đình anh thu được gần 70 triệu đồng từ bán gà.
Mô hình chăn nuôi gà của anh Viêng Văn Viện |
Tương tự, cũng sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH có hiệu quả là hộ gia đình anh Kha Văn Thanh ở bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Vốn có đất rộng, nên anh Thanh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn đen, lợn rừng lai theo hình thức chăn thả tự nhiên. Lợn của anh nuôi theo hình thức này rất được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm, anh Thanh thu nhập trên 120 triệu đồng. Ban đầu anh Thanh cũng gặp nhiều khó khăn khi khởi sự vì chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, trong khi chi phí để xây dựng mô hình lại rất tốn kém. “Nhưng, tôi vẫn quyết tâm làm và đến nay đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, đầu ra của sản phẩm khá ổn định. Đời sống của gia đình cũng nhờ vậy được nâng lên”, anh Thanh bày tỏ.
Trên địa bàn huyện Tương Dương, số hộ dân đang còn dư nợ từ NHCSXH huyện hiện gần 12.000 hộ. Ông Hồ Xuân Hải - Phó giám đốc NHCSXH huyện Tương Dương cho biết, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, các hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH. Đa số các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát huy tốt hiệu quả. Theo báo cáo của các hội, các địa phương, thì trên địa bàn huyện Tương Dương có khoảng gần 500 mô hình sản xuất sử dụng nguồn vốn của NHCSXH cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.
Ông Lô Thanh Nhất - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương đánh giá, NHCSXH luôn là người bạn đồng hành cùng công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Từ nguồn vốn của ngân hàng, nhiều hộ gia đình đã xóa được nhà dột nát, thoát được nghèo khi có vốn sản xuất. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tương Dương vẫn còn trên 36% nên trong thời gian tới, để giảm nghèo, cần phải có sự trợ giúp tốt hơn nữa của nguồn vốn NHCSXH đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.