Vốn ưu đãi: Đồng hành cùng hộ gia đình vùng khó khăn
“Đòn bẩy” khích lệ người dân thoát nghèo | |
Nam Đàn: Thổi bùng sức sống nông thôn mới | |
Động lực thoát nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Một trong những mong ước của những hộ gia đình sản xuất kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn muốn vươn lên phát triển kinh tế là có được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước… Thấu hiểu điều đó, những năm qua, NHCSXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nhiều hộ gia đình được tiếp cận với các nguồn vốn chính sách, trong đó có chương trình tín dụng đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn.
Nhiều hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch được vay vốn để phát triển kinh tế |
Từ 50 triệu đồng vay từ chương trình tín dụng đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu ở thôn Na, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đã đầu tư sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, nuôi cá lồng trên sông. Cứ cần cù, chịu khó như thế, đến nay cuộc sống của gia đình bà ngày càng khấm khá.
Bà Hiếu không giấu được niềm vui: “Ngoài trồng rừng, gia đình còn chăn nuôi thả cá lồng trên sông, sau mỗi vụ thu hoạch có hàng trăm triệu đồng, cũng đủ trang trải chi tiêu hàng ngày trong gia đình”.
“Thu nhập của người dân nơi đây nói chung và gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, từ khi NHCSXH huyện Bố Trạch triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, nhiều hộ không thuộc diện nghèo hay đối tượng chính sách như chúng tôi được vay vốn ưu đãi để mở rộng trang trại hoặc chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”, bà Hiếu cho biết.
Cũng như bà Hiếu, gia đình ông Lưu Văn Dụng ở thôn Phú Kinh, xã Liên Trạch, năm 2017 được vay 50 triệu đồng chương trình này rồi đầu tư trồng rừng và chăn nuôi bò. Sau thời gian chăm sóc bò và mở rộng diện tích rừng, đến nay gia đình ông đã có 4ha rừng keo lai và 6 con bò, từng bước cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình ông đã có thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều hộ vay vốn chương trình hộ gia đình SXKD của NHCSXH tại vùng khó khăn trên địa bàn huyện Bố Trạch, đã sử dụng và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, mang lại thu nhập cao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu ở Thôn Na, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch được vay 50 triệu đồng chương trình SXKD tại vùng khó khăn để chăn nuôi cá lồng trên sông, bán cho các nhà hàng, phục vụ khách du lịch |
Ông Dụng không giấu được niềm vui cho biết: “Có được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn từ NHCSXH. Đây thật sự là một cứu cánh đối với gia đình tôi để có vốn, kịp thời đầu tư sản xuất vươn lên phát triển kinh tế”.
Hiện Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Na, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch do ông Hoàng Văn Thanh làm tổ trưởng có 45 hộ vay vốn, trong đó có đến 20 hộ gia đình vay vốn chương trình SXKD tại vùng khó khăn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán hàng tạp hóa phục vụ khách du lịch. Sau khi có vốn, các hộ đều mở rộng SXKD, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Theo ông Thanh, khi vay vốn từ NHCSXH, hộ vay không phải thế chấp tài sản, lại được cán bộ tín dụng và chính quyền địa phương hướng dẫn tận tình cách sử dụng vốn vay hợp lý, vì vậy bà con đã phát huy tốt hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Đến nay tổng dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn trên địa bàn huyện Bố Trạch đạt trên 100 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018. Tổng số hộ còn dư nợ thuộc chương trình này là 2.250 hộ gia đình; bình quân số tiền vay là 22,5 triệu đồng/hộ. Trong đó, một số xã có dư nợ cao như: Sơn Trạch 28,5 tỷ đồng; Hưng Trạch 22,3 tỷ đồng, Sơn Lộc 10,2 tỷ đồng; Phúc Trạch 10 tỷ đồng; Thị trấn Nông trường Việt Trung 9,2 tỷ đồng... Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực với các gia đình ở các xã khó khăn, nhất là những gia đình không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhưng đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình.
Nói về tầm quan trọng của nguồn vốn ưu đãi, Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch Hoàng Anh Toàn cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi đã cơ bản giải quyết được nhu cầu bức thiết nhất về vốn đối với những gia đình không phải là nghèo nhưng đang sinh sống và có nhu cầu SXKD tại vùng khó khăn. Sau khi được vay vốn, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình theo các mô hình trang trại, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, phát triển kinh doanh, dịch vụ du lịch, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình và trả nợ vốn vay đúng hạn”.
Gia đình ông Lưu Văn Dụng ở thôn Phú Kinh, xã Liên Trạch được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò hiệu quả |
Để tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn chính sách, ông Toàn cho biết thêm, trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tập trung, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể và các ngành liên quan tổ chức tập huấn lồng ghép nâng cao kiến thức về quản lý và sử dụng nguồn vốn, gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn do NHCSXH thực hiện tại huyện Bố Trạch đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Chương trình đã cho vay đúng đối tượng, hộ vay được cả ngân hàng và cộng đồng cùng giám sát nên đã sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn.
Nhờ được tiếp cận vốn ngay tại xã, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí giao dịch kết hợp với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước đã giúp cho người vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại vùng khó khăn một cách bền vững. Thông qua những hoạt động cho vay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra giám sát đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo đúng mục tiêu chương trình đặt ra. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao dịch lưu động tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay được tiếp cận vốn vay nhanh chóng.