Hàng Việt thưa vắng sau mua bán sáp nhập
Ảnh minh họa |
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao thường niên 2018, đã chứng kiến một thương hiệu hàng Việt Nam lớn là Nhựa Bình Minh nói lời chia tay, bởi việc tham gia hội chợ của doanh nghiệp này từ nay sẽ do người Thái quyết định.
Doanh nghiệp này đã đồng hành cùng Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao suốt 20 năm qua. Không chỉ vậy, Nhựa Bình Minh còn là doanh nghiệp Việt tích cực đưa hàng về nông thôn (sản phẩm là bình phun thuốc trừ sâu) và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Nói đến Nhựa Bình Minh, là nhắc đến một trong những doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp có 4 nhà máy sản xuất, hệ thống phân phối và thương hiệu phổ biến với mức độ nhận diện cao ở thị trường.
Nhưng đến nay, doanh nghiệp đã có sự hiện diện của nhà đầu tư Thái Lan với tư cách là cổ đông lớn nhất. Trước Nhựa Bình Minh, hội chợ cũng vắng bóng sản phẩm thương hiệu Cầu Tre do đã bán cho doanh nghiệp Hàn Quốc, hay Kinh Đô cũng không còn là hàng Việt.
Hai năm gần đây, vào hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao thường là những doanh nghiệp mới. Nhưng điều đáng buồn, đây thường là những doanh nghiệp nhỏ, có khi còn là siêu nhỏ. Hội chợ 2018 chứng kiến rất nhiều cuộc chia tay lặng lẽ với doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thực tế này cho thấy, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn của những thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) với tổng giá trị lên đến 16 tỷ USD trong 2 năm liên tục 2016 - 2017. Ví dụ, thương hiệu Việt Đức trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nổi tiếng với sản phẩm xúc xích nay thuộc về Tập đoàn Daesang Corp của Hàn Quốc; Nhựa Tiền Phong có ông chủ mới từ Thái Lan; Công ty Quạt Việt Nam có 65% cổ phần của nhà đầu tư Pháp; nhãn hiệu kem đánh răng PS nổi tiếng đã trở thành “hàng ngoại” và Y khoa Hoàn Mỹ giờ là của Ấn Độ…
Nhìn danh sách doanh nghiệp tham gia hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 chỉ còn lại vài thương hiệu quen là đồ hộp Hạ Long, bánh kẹo Bibica, Phạm Nguyên, đồ hộp Tuyền Ký… còn lại hầu hết thương hiệu mới, lạ.
Không thể phủ nhận sự hiện diện của nhà đầu tư ngoại trong các thương vụ M&A đang mang lại lợi ích cho người dân. Bởi với tiềm lực tại chính vững mạnh, hệ thống quản lý doanh nghiệp tiên tiến, các doanh nghiệp ngoại sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường tốt hơn, đa dạng hơn.
Nhưng bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước hiện nay đã có rất nhiều sự lựa chọn. Nếu doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao là doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa, liệu hàng hóa của họ có đủ sức cạnh tranh? Hàng Việt Nam chất lượng cao có còn được ưa chuộng và ưu tiên lựa chọn vào giỏ hàng của người tiêu dùng Việt?