Hapro luôn tiên phong trong công tác bình ổn giá trong dịp Tết
Hapro được định giá hơn 4.000 tỷ đồng | |
Hapro tổ chức nhiều chương trình khuyến mại |
Mới đây, Ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại Hapro.
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác bình ổn giá năm 2018 và tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Hapro cho biết, Hapro đã tập trung cải tạo cơ sở vật chất, chủ động chuẩn bị lượng hàng dự trữ phong phú và đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và giá cả hàng hóa để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Hapro kiểm soát chặt đầu vào các mặt hàng bình ổn giá |
Về nguồn hàng, Hapro tập trung khai thác hàng hóa từ 3 nguồn chính, trong đó chú trọng đối với các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam chất lượng cao gồm các mặt hàng của các nhà cung cấp lớn có uy tín chất lượng đảm bảo trên thị trường; các mặt hàng do các đơn vị thành viên trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất đã có uy tín trên thị trường và các mặt hàng Tổng công ty làm đại lý cấp 1.
Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, ông Vũ Thanh Sơn chia sẻ: “Hapro xác định đây là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt trong dịp tết. Hapro rất quyết liệt trong việc kiểm soát đầu vào các mặt hàng thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng, hệ thống đặt hàng đặc biệt là đã lựa chọn các đầu mối, các nhà cung cấp có uy tín”.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Hapro đã xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 19 nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết Mậu Tuất 2018 như gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau củ, quả các loại…
Riêng dịp Tết Nguyên đán 2018 sẽ có 13 nhóm mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn giá. Trong đó, Hapro sẽ giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô 3 thương hiệu gạo mới là Janponica, Hương lài sữa dẻ và Hương chín rồng của chi nhánh Tổng công ty tại Đồng Tháp.
Là DNNN nên Hapro luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình, luôn gương mẫu tiên phong, có ý thức trách nhiệm hơn các DN khác trong công tác bình ổn giá hàng hóa, đặc biệt trong dịp tết.
Ông Vũ Thanh Sơn cho biết: “Các mặt hàng bình ổn giá của Hapro luôn thực hiện theo giá bán đúng niêm yết đã được báo cáo với Sở Tài chính. Khi giá tăng thì Hapro cùng các đơn vị tham gia chương trình bình ổn phải cùng nhau bán đúng giá ban đầu, không được tăng giá, kiềm chế để không gây biến đổi giá các mặt hàng vào dịp Tết. Hapro chấp nhận rủi ro, bởi đây vừa là nhiệm vụ và trách nhiệm của Hapro”.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định: “Hapro là đơn vị đầu tàu trong việc nắm bắt, dự báo thị trường để khi có biến động giúp Sở Công Thương và UBND thành phố điều tiết, cân đối cung-cầu hàng hoá trên địa bàn, đặc biệt là những nơi có biến động xảy ra trong dịp Tết”.
Bên cạnh đó, Hapro cần tiếp tục tăng cường công tác phục vụ bán hàng Tết với nhiều hình thức khác nhau, phục vụ người dân tại gia đình thông qua thương mại điện tử, tăng cường phục vụ Tết ở vùng ngoại thành nông thôn, khu công nghiệp. Đồng thời, tổng công ty cần tăng cường kiểm soát chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân, để người dân có cái tết an toàn, yên tâm mua sắm sản phẩm hàng hoá trong dịp tết.
Trưởng ban Kinh tế ngân sách Phạm Thị Thanh Mai cũng đánh giá cao Hapro trong việc chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ chương trình bình ổn giá thành phố. Bên cạnh đó, Hapro cần phải quan tâm đến công tác dự báo thị trường, tham mưu cho thành phố thực hiện tốt chương trình bình ổn giá.