Hệ lụy từ cây sắn
Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,12 tỷ USD năm 2014, cây sắn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu các loại cây nông nghiệp, giúp nông dân có thu nhập, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng sắn một cách tự phát cùng với hình thức canh tác quảng canh để lại hậu quả nặng nề với môi trường và là nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến diện tích rừng…
ngành nông nghiệp tỉnh Kon TumCần áp dụng tiên bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao sản lượng cây sắn |
Tại tỉnh Kon Tum, cây sắn đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song hiện tại, diện tích phát triển loài cây này chưa được chính quyền địa phương kiểm soát một cách có hiệu quả, nên cũng có những tác động tiêu cực đến thị trường cũng như có nguy cơ khủng hoảng thừa…
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, hiện diện tích sắn của địa phương này đạt trên 35.000 ha và đang có dấu hiệu gia tăng về diện tích trồng. Một nguyên nhân khiến diện tích cây sắn luôn có xu hướng mở rộng, phá vỡ quy hoạch là những hạn chế về kỹ thuật canh tác. Hầu hết người nông dân nơi đây đều áp dụng hình thức quảng canh nên năng suất thấp, do vậy cần mở rộng diện tích để tăng sản lượng thu hoạch...
Thực tế cho thấy, hầu hết diện tích sắn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít được chăm sóc, bón phân... nên dẫn đến năng suất phổ biến chỉ khoảng 18 - 25 tấn/ha, thậm chí có nhiều diện tích chỉ thu hoạch được khoảng trên dưới 10 tấn, không mang lại hiệu quả trên một diện tích đất trồng.
Với cách trồng và chăm sóc theo tư duy quảng cảnh thì người dân phải trồng 3 ha mới thu được sản lượng bằng 1 ha trồng và chăm sóc theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật cao. Đây là điều gây lãng phí về tài nguyên đất, cũng như khó kiểm soát được việc phát triển diện tích loại cây này trên địa bàn tỉnh Kon Tum và một số địa phương khác…
Theo giám đốc một DN chế biến tinh bột sắn có nhà máy trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với việc áp dụng tiến bộ khoa học vào việc trồng và chăm sóc cây sắn đã đem lại cho người nông dân Tây Ninh hiệu quả kinh tế rất cao, với sản lượng 50 - 60 tấn/ha. Cá biệt có nơi năng suất đạt tới 90 - 100 tấn/ha. Trong khi đó, người trồng sắn ở Kon Tum đạt năng suất rất thấp.
Nguyên nhân được xác định đa số diện tích người dân trồng giống sắn KM94, một loại giống cũ có tán lá rộng, chiếm nhiều diện tích đất, mật độ cây chỉ 12.500 - 13.000 cây/ha. Còn với giống sắn mới KM49 thì có thể trồng được từ 16.000 - 17.000 cây/ha. Hơn nữa, thời gian thu hoạch của giống sắn KM49 chỉ sau 7 tháng trồng với hàm lượng tinh bột cao hơn KM94…
Chính vì thấp về sản lượng, phải tăng về diện tích trồng đã không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đặt ra một thực trạng khác tác động đến môi trường và công tác bảo vệ rừng tại các địa phương, do người dân phá rừng lấy đất làm rẫy để trồng sắn.
Đơn cử, gần đây người dân làng Ba Rờ Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy (Kon Tum) có trên 150 hộ đồng bào Ja Rai ở sát vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray liên tục mở rộng diện tích trồng sắn, lấn cả vào vùng lõi Vườn Quốc gia. Đã có người dân trong làng bị chính quyền xử phạt vì phá rừng lấy đất trồng sắn.
Chính vì việc rẫy trồng sắn của người dân đã bao quanh Vườn Quốc gia từ nhiều năm nay nên công tác bảo vệ rừng đối với vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có nguy cơ bị đe dọa.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh trên địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum) cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Trước áp lực phá rừng để trồng sắn của người dân, mặc dù Ban quản lý Khu Bảo tồn đã thành lập 5 Trạm quản lý bảo vệ rừng tại 5 xã cùng một đội kiểm lâm cơ động, song vẫn không thể kiểm soát triệt để...
Theo các chuyên gia, để cây sắn phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao, tránh tác động tiêu cực đến môi trường, ngành nông nghiệp địa phương cần đưa giống mới vào sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích trồng.
Nếu chính quyền địa phương không nhanh chóng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây sắn thì người dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, tái diễn cảnh phá rừng lấy đất trồng sắn, gây hệ luỵ lớn về môi trường tự nhiên.