Hiệp định CPTPP: Nhà bảo trợ mới cho toàn cầu hóa
CPTPP sẽ giảm bớt các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế với 500 triệu dân và tổng GDP khoảng 10 nghìn tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu. CPTPP hiện tại sẽ trở thành khối thương mại tự do lớn thứ 3 thế giới, sau Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Hiệp định CPTPP có hiệu lực là tín hiệu tốt cho các nước thành viên |
Trong bối cảnh Tổng thống Trump kiên quyết bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống như thép và than đá, 11 nước thành viên CPTPP đã cho ra đời một loạt các quy định mới về tự do điện tử. Những quy định này có thể thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại khu vực châu Á, đẩy nhanh năng lực thông tin và từ đó thúc đẩy những đổi mới trong trí tuệ nhân tạo tại các nước đang phát triển và mới nổi.
Hiệp định sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 6 thành viên phê chuẩn. Vào đầu năm 2018, Nhật Bản, Mexico và Singapore là 3 thành viên đầu tiên đã phê chuẩn CPTPP. Tiếp đó, ngày 24/10, Quốc hội New Zealand đã phê chuẩn CPTPP và thành viên gần đây nhất đã tiến hành phê chuẩn là Canada vào ngày 25/10.
Trong khi đó, Quốc hội Australia đã thông qua CPTPP hồi đầu tháng 10/2018 và dự kiến sẽ phê chuẩn vào cuối năm 2018 cùng với Việt Nam. Các nước thành viên còn lại của CPTPP là Brunei. Chile, Malaysia và Peru đang đẩy mạnh tiến trình phê chuẩn trước ngày 1/11 để hiệp định dự kiến có thể bắt đầu thực thi vào ngày 31/12 với mức cắt giảm thuế ban đầu được triển khai từ ngày 1/1/2019.
Các nhà quan sát cho biết việc CPTPP sắp sửa đi vào hiệu lực là một tin tức tốt hiếm hoi tương phản với nỗi lo sợ đang lớn dần trong thời gian qua về một cuộc chiến tranh và trả đũa về thương mại. Tiến sĩ Deborah Elms, người sáng lập và là giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á, một viện nghiên cứu và xúc tiến thương mại tại Singapore đánh giá CPTPP đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về tự do thương mại.
Một số quốc gia khác cũng đang xem xét việc gia nhập CPTPP. Vào giữa tháng 6 vừa qua, Colombia đã chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP. Bộ Thương mại Hàn Quốc đang xem xét đánh giá hiệu quả của hiệp định này lên nền kinh tế của họ trước khi quyết định trong năm nay có gia nhập hay không.
Trước đó, các nguồn tin cho biết Anh cũng có những cuộc thảo luận không chính thức về việc gia nhập CPTPP như một lối ra cho xuất khẩu của họ sau khi rời EU. Tổng thống Trump cũng từng nói rằng ông bỏ ngỏ khả năng tái gia nhập TPP nếu nó trở thành "một thỏa thuận tốt hơn" cho Mỹ. Dù vậy, Mỹ sẽ cần sự đồng ý của tất cả các thành viên hiện tại cho việc tái gia nhập.
Ngoài ra, theo nguồn tin của tờ nhật báo South China Morning Post, Trung Quốc cũng đang tỏ rõ sự quan tâm đối với CPTPP. Trong những tháng vừa qua, các quan chức Trung Quốc nghiên cứu khả năng và tìm kiếm sự tư vấn để tham gia hiệp định. Giới quan sát nhận định việc tham gia CPTPP có thể giúp Trung Quốc đối phó với chính sách bảo hộ mà nước Mỹ đang thực hiện.
Hiệp định thương mại được ký kết với 11 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Australia sẽ giúp Trung Quốc mở rộng quan hệ thương mại và giải phóng tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ đang leo thang.
Theo giáo sư Peter Petri, trưởng khoa Tài chính quốc tế, Đại học Kinh doanh quốc tế Brandeis, TPP-11 có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các nước thành viên. Cụ thể, hiệp định này sẽ nâng mức tăng trưởng kinh tế của các thành viên thêm 1% mỗi năm. Cơ quan nghiên cứu của giáo sư Petri đưa ra tính toán TPP-11 giúp các nước thành viên thu được khoảng 147 tỷ USD nhờ hoạt động thương mại và đầu tư.
Những lợi ích này sẽ tăng gấp 3 lần nếu như TPP-11 có thể mở rộng và kết nạp thêm 5 thành viên mới. Với khả năng mở rộng lên 16 thành viên, TPP-11 sẽ tạo ra nguồn thu 486 tỷ USD mỗi năm cho các nước thành viên, vượt quá lợi ích theo tính toán ban đầu trước khi Mỹ rời khỏi TPP.
Giới chuyên gia nhìn nhận tác động của TPP-11 không dừng lại trong nội bộ các nước thành viên. Do thực tiễn hình thành các hiệp định thương mại tự do có tính lan tỏa và dây chuyền, nhiều khả năng sẽ có thêm các cuộc đàm phán cho ra đời nhiều hiệp định thương mại tự do khác trong thời gian tới.
Cụ thể, việc CPTPP đi vào hiệu lực được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao trùm một khu vực 3,5 tỷ người và 1/3 kinh tế thế giới. RCEP được khởi xướng từ năm 2012 và các bên đàm phán bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Trong số này có 7 thành viên CPTPP là Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, New Zealand và Việt Nam.