Hỗ trợ công nghiệp dệt may
Thời gian gần đây, Quảng Nam nổi lên trở thành trung tâm dệt may lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên với hàng loạt dự án dệt may ra đời trên địa bàn. Theo đó, trong số 12 dự án vừa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, có đến 7 dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may…
Cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may |
Có thể kể đến nhiều dự án dệt may lớn đã và đang khởi động ở Quảng Nam, như dự án của Tập đoàn Panko (Hàn Quốc), đầu tư 70 triệu USD xây dựng nhà máy dệt may quy mô lớn trên diện tích 33,5ha, mỗi năm sản xuất 48 nghìn tấn sản phẩm dệt, nhuộm và hơn 100 triệu sản phẩm may, phụ liệu…
Tương tự, Công ty Ducksan Enterprise, cũng đến từ Hàn Quốc, đầu tư 10 triệu USD cho nhà máy dệt, phụ liệu trên diện tích 6,6ha, tổng công suất 19,2 nghìn tấn sản phẩm sợi, vải, dệt, nhuộm mỗi năm. Trước đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng khởi công dự án khu liên hợp sợi, dệt, nhuộm và may với tổng vốn đầu tư 1,2 nghìn tỷ đồng tại Quế Sơn.
Khi đi vào hoạt động, dự án giải quyết việc làm cho hơn 2 nghìn lao động, doanh thu khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm. Ngoài ra, có thể kể đến Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (TP. Đà Nẵng) cũng vừa khởi công xây dựng nhà máy quy mô 20 nghìn cọc sợi tại Thăng Bình. Dự án có tổng số vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Đây là nhà máy thứ 7 của thương hiệu Hòa Thọ trên địa bàn Quảng Nam.
Với nhiều lợi thế, dự báo trong thời gian tới, đặc biệt khi Hiệp định TPP có hiệu lực, làn sóng đầu tư vào ngành dệt may ở Quảng Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác tại miền Trung, ngành dệt may ở Quảng Nam vẫn gặp khó do công nghệ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu còn thấp.
Mặc dù, thu hút nhiều dự án nhưng công nghiệp hỗ trợ dệt may ở Quảng Nam còn rất hạn chế, 95% sản lượng vải được dệt ở địa phương không thể sử dụng trực tiếp cho ngành may do các khâu in, nhuộm hầu như chưa có. Thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất cho dệt may cũng chưa phát triển. Trên địa bàn, có một số DN sản xuất thiết bị ngành may, nhưng đa số sản phẩm lại dùng cho xuất khẩu.
Cùng với công nghiệp ô tô, dệt may là một trong những lĩnh vực đã và đang được Quảng Nam ưu tiên phát triển. Để hỗ trợ cho dệt may, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đến năm 2020.
Theo đó, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu ngành dệt may xuống mức khoảng 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dệt may giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đạt khoảng 20,3%; Giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may đến năm 2020 đạt trên 6,8 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng của dệt may trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp là hơn 10%.
Để đạt được những mục tiêu trên, Quảng Nam cần quy hoạch diện tích trồng cây bông nguyên liệu. Hình thành trung tâm dệt may gồm các nhà máy công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may; đồng thời, mở rộng các nhà máy may làm vệ tinh. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải gắn quy hoạch khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với việc hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ dệt may.
Đặc biệt, Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận với Vinatex xây dựng địa phương thành trọng điểm phát triển ngành dệt may của cả nước. Trong đó, chú trọng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, góp phần chủ động cung ứng nguyên liệu, phụ liệu cho ngành may ngay từ trong nước.
Theo kế hoạch, Vinatex sẽ lập dự án đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu trồng bông trên địa bàn. Tương tự, Dệt may Hòa Thọ cũng sẽ trồng khoảng 8 nghìn ha nguyên liệu bông, trong đó giai đoạn đầu sẽ triển khai trồng khoảng 1 nghìn ha bông.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện chiến lược thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ dệt may, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển ngành dệt may, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.
Có thể nói, trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may trong nước còn nhiều hạn chế, Quảng Nam đã và đang nổi lên là điểm sáng trong các chính sách hỗ trợ phát triển ngành dệt may.