Hòa giải chính là phương án giải quyết có lợi cho cả 2 bên
Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa tổ chức Tọa đàm “VMC - Một năm nhìn lại và một số vấn đề của tương lai” tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc VMC, ông Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ, Trung tâm Hòa giải Việt Nam được thành lập với mục đích cung cấp thêm một kênh để giải quyết các tranh chấp thương mại với hy vọng góp một phần nhỏ bé của mình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
“Ngoài con đường giải quyết tranh chấp bằng tòa án, trọng tài thì hòa giải chính là phương án giải quyết có lợi cho cả hai bên. Sau khi tranh chấp được giải quyết thì hai bên vẫn là bạn của nhau, cơ hội còn làm ăn không bị chấm dứt như các phương thức khác”, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho hay.
Trung tâm Hòa giải Việt Nam hướng tới cung cấp dịch vụ, đó là dịch vụ để hai bên phát huy quyền chủ động tối đa của mình, giảm thiểu rủi ro cũng như các chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: “Trung tâm Hòa giải Việt Nam là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi phải dò dẫm từng bước đi, xây dựng hình ảnh của mình. Một năm qua, mặc dù trung tâm chưa làm được nhiều lắm nhưng đã có những tiến triển nhất định. Số lượng hòa giải viên tăng lên rất nhiều, số lượng vụ hòa giải cũng tăng lên. Hy vọng hòa giải thương mại tại VMC sẽ được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận”.
Theo ông Phan Trọng Đạt - Phó Giám đốc thường trực VMC, sau một năm hoạt động, VMC hiện có 51 hòa giải viên, trong đó có 38 hòa giải viên Việt Nam và 13 hòa giải viên nước ngoài. Đây đều là những hòa giải viên có uy tín, được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực, đặc biệt là hòa giải thương mại.
Sau một năm thành lập, VMC đã nhận được và giải quyết ổn thỏa 5 vụ việc tranh chấp bằng hòa giải thương mại và đáng chú ý cả 5 vụ đều trong lĩnh vực xây dựng, với tổng trị giá tranh chấp lên đến 934,5 tỷ đồng.
Tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, các vấn đề xảy ra trong ngành Xây dựng là rất lớn. Trong lĩnh vực thầu xây dựng, việc xử lý tranh chấp và giữ vững quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là khá nhạy cảm.
Thực tế hiện nay các nhà thầu bị chiếm dụng vốn rất lớn nhưng không dám lên tiếng kiện chủ đầu tư khi có nợ đọng bởi lo ngại chủ đầu tư không ký hợp đồng các dự án tiếp theo.
“Vì vậy, hòa giải thương mại có thể giải quyết được tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nợ đọng hoặc xử lý được rất nhiều vấn đề cụ thể tồn tại trong các doanh nghiệp. Có thể nói, hòa giải là phương án tối ưu cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, bà Nguyễn Thị Cúc hy vọng trong thời gian tới, VMC đẩy mạnh công tác truyền thông để nhiều doanh nghiệp biết đến.
VMC thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là trung tâm hòa giải đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào ngày 27/4/2019. Với đội ngũ Hòa giải viên là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế cũng như được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung cũng như hòa giải thương mại nói riêng.