Hơn cả mùa trung thu
Vui thích với nhiều hoạt động
Trẻ em ngày nay cũng bề bộn lo toan với việc học. Dịp này ở nhiều nơi trong cả nước rộn ràng các hoạt động nghệ thuật hướng đến đối tượng trẻ em. Song cũng chính người lớn được thưởng thức lại những món đồ chơi đã ít nhiều bị mai một. Bảo tàng Dân tộc học được đánh giá là một trong những cơ sở tổ chức tốt các hoạt động văn hóa truyền thống, thu hút nhiều du khách, trong đó có việc tổ chức trung thu cho trẻ em hằng năm.
Trẻ em vùng quê vui với đèn kéo quân |
Năm nào cũng vậy, từ ngày 30/9 đến 1/10, nhiều trò chơi truyền thống như nặn tò he, làm cốm, bánh dẻo, cắt hoa quả, các trò chơi dân gian; hay nghệ nhân hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống, được diễn ra trang trọng, vui vẻ. Em Nguyễn Quỳnh Nga, học sinh lớp tám ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Được chơi và được nặn tò he, em rất thích. Đây là hoạt động bổ ích, giống như học ngoại khóa mà em được bố cho đi chơi bốn năm qua”.
Bố em, anh Nguyễn Việt Hà, thổ lộ: “Nói là đưa con đi, chứ thực ra tôi cũng muốn đi chơi, tham quan, tìm lại cảm giác thời tuổi thơ của mình. Những trò chơi truyền thống thật sự góp phần giáo dục cho các em nhỏ và cả người lớn về những bài học nhẫn nại, chịu thương chịu khó, nhắc nhớ về những kỷ niệm của mỗi người”.
Năm nay, tại Bảo tàng Dân tộc học còn có điểm nhấn, là chương trình Trung thu 2017 “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp”, đã mang tới cho khán giả những trải nghiệm vô cùng thú vị như: Giới thiệu điệu hò, nghề dệt truyền thống, cách làm các sản phẩm thủ công… Trong tiết mục múa lân sư, có sự kết hợp giữa văn hóa Nam bộ và văn hóa Bắc bộ.
Ở Hà Nội, Tết Trung thu năm nay (2017) diễn ra rất nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa hấp dẫn. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có sự kiện văn hóa thu hút sự tham gia vào cuộc của gần 500 nhà văn hóa, nghệ sĩ… với ý thức giúp cộng đồng hiểu hơn về văn hóa cội nguồn như chương trình “Thu vọng nguyệt”.
Hay các hoạt động vui chơi trung thu với những trò chơi dân gian như đi cầu tre gánh lúa, ném vòng, chơi chuyền, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống … diễn ra tại di tích Hoàng thành Thăng Long. Tại một số địa chỉ văn hóa trong khu vực phố cổ Hà Nội như đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) còn tổ chức triển lãm tranh, ảnh về Trung thu xưa, hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông Đánh gậy…
Không khí trung thu còn sôi động ở các nhà hát, như Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt chương trình “Dạ tiệc đêm rằm”, thu hút các em thiếu nhi vào cuộc phiêu lưu của chú Cuội, với các nhân vật ngộ nghĩnh, mang tình yêu thương đi giúp đỡ người khác trong gian khó, hiểm nguy, tạo sự hào hứng, vui nhộn. Không chỉ thế chương trình còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, giáo dục tinh thần tương thân tương ái, xả thân vì nghĩa.
Trong dòng chảy ấy, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng dàn dựng một chương trình hoành tráng, mang tên “Ánh trăng cổ tích” gồm nhiều tiết mục hài kịch, ảo thuật, xiếc… mang tới cho các em một bữa tiệc đặc sắc.
Hướng dẫn trẻ em làm đồ chơi truyền thống |
Cơ hội tìm hiểu truyền thống dân tộc
Trong xu thế giới trẻ xa rời các môn nghệ thuật truyền thống, nhiều đồ chơi, trò chơi truyền thống bị mai một thì việc khơi dậy sức sống của các đồ chơi, trò chơi truyền thống, đậm chất văn hóa là điều cực kỳ cần thiết. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, nghệ nhân làng nghề, hiện nay nhiều trẻ em ở phố còn chưa biết đến đồ chơi trung thu truyền thống, như đèn kéo quân, đèn sao, tò he, mặt nạ giấy bồi, ông tiến sĩ…
Thế nhưng các trò chơi bạo lực, chơi game lại chiếm khá nhiều thời gian của các em. Bởi vậy, không chỉ các cơ quan chức năng, cơ quan văn hóa, bảo tàng… cần có nhiều hoạt động hơn nữa để giáo dục, thay đổi nhận thức, bồi đắp vốn hiểu về truyền thống cho trẻ em. Trung thu không chỉ là vui chơi, mà nhân cơ hội đó, là dịp để giáo dục nhân cách, đạo đức.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) là người có thâm niên 40 làm đèn sao, tiến sĩ giấy trong dịp trung thu, chia sẻ: Đây là dịp giáo dục truyền thống, kỹ năng cho trẻ rất tốt. Dù nghề vất vả, đơn đặt hàng nhiều nhưng tôi và người thân vẫn cố gắng thu xếp thời gian để hàng đến tay người đặt đúng hẹn.
Ngoài ra, tại các trường học còn mời tôi đến làm đồ, hướng dẫn học sinh cách làm đồ chơi. Nhiều em bé chăm chú lắng nghe. Nếu trước đây các em không biết giá trị của một ngôi sao nhỏ, thì nay các em đã có thể học và biết thao tác làm. Tôi nghĩ các thầy cô giáo đã biết cách hướng dẫn các em và đem lại những bài học bổ ích.
Nhiều năm qua, bà Tuyến được mời đến các không gian như Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… để biểu diễn, hướng dẫn các em nhỏ làm đèn sao truyền thống. Hay nghệ nhân Trịnh Bách, năm nay được mời đến nói chuyện về các câu chuyện xung quanh việc làm con giống bột.
“Trẻ em ngày xưa, cứ đến rằm tháng Tám sẽ thấy rộn ràng lắm. Mặc dù đồ chơi Tây phương đã phổ biến trong nước từ lâu, trẻ em Việt Nam thời tôi còn bé vẫn bị cuốn hút bởi các thú vui truyền thống, mộc mạc nhưng tinh tế của dịp lễ cổ truyền này. Những đầu lân, các đèn lồng nan tre phết giấy bóng kính, làm theo các hình con thỏ, con cá... Ngoài ra, còn đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn kéo quân… Bây giờ, phải để con trẻ hiểu và có thể tham gia làm được những món đồ đơn giản”, nghệ nhân Trịnh Bách tâm sự.
Phải khẳng định khi đồ chơi điện tử phổ biến thì chiếc đèn kéo quân rực rỡ là tâm điểm của mỗi mâm cỗ trung thu. Hình ảnh Hai Bà Trưng, ông Gióng cưỡi ngựa, chú Cuội, chị Hằng, những nhân vật lịch sử, các con giống chạy quanh đèn luôn làm mê hoặc lũ trẻ. Dù đèn kéo quân không giữ được vị thế như ngày xưa, nhưng vẫn có những người nghệ nhân hết lòng vì đồ chơi trung thu truyền thống.
Họ là những tinh hoa giữ nghề, đáng được trân trọng, hỗ trợ, để tiếp tục có những cống hiến cho tuổi thơ, cho vẻ đẹp đêm trăng rằm tháng Tám. Nghệ nhân Vũ Văn Sinh, làm đèn kéo quân ở huyện Thanh Oai (Hà Nội), bộc bạch: “Đồ chơi trung thu cũng là món đồ chơi của nghệ thuật, hồn nhiên mà sâu lắng, chúng ta không thể lơ là”.
Hơn cả mùa trung thu, là chỉ dành cho trẻ em những trò chơi, những món quà ý nghĩa, đây cũng là dịp giáo dục cho các em về những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều đơn vị đã làm được điều này, song sẽ tốt hơn nếu nó được làm nhiều hơn, không chỉ mỗi dịp trung thu, mà trong những buổi học ngoại khóa. |