Kênh phân phối bán lẻ đang “rộng cửa” với DN Việt
Tuy nhiên, tình hình hiện đang có tín hiệu khả quan khi Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op, Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Central - Thái Lan) và Công ty Vincommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart), là 3 kênh phân phối bán lẻ hàng hóa lớn của thị trường đã cùng “bắt tay” để bảo đảm tỷ lệ hàng Việt tại các điểm bán luôn trên 90%.
Các nhà phân phối bán lẻ luôn tìm cách đưa hàng Việt lên kệ siêu thị |
Khẳng định điều này, ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc thường trực Sài Gòn Co.op cho biết trong 10 năm qua, Co.op luôn quảng bá cho hàng hóa của DN Việt. Bên cạnh việc duy trì tỷ lệ hàng Việt cao trong hệ thống bán lẻ của mình, Saigon Co.op còn triển khai 5 nhóm giải pháp chính gồm thông tin tuyên truyền vận động, kết nối DN với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nâng cao năng lực DN và triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam. Trong đó, phải kể đến các chương trình lớn như tháng khuyến mãi Tự hào hàng Việt, cùng các chiến dịch quảng bá hàng Việt trên các ứng dụng, mạng xã hội và công cụ số.
Đại diện của Big C và Central Group Việt Nam (một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam) cho biết, tỷ lệ hàng Việt đang kinh doanh tại các siêu thị Big C Việt Nam được duy trì ở mức khoảng 96% trên cơ cấu hàng hóa. Hệ thống siêu thị Big C cam kết sẵn sàng hỗ trợ DN Việt, cụ thể là những nhà sản xuất, nông dân và HTX nông nghiệp, nhà cung cấp, DN… trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, bằng các chương trình hành động thiết thực.
Tương tự, đại diện của Công ty Mega Market cho biết, đơn vị này liên kết với rất nhiều tỉnh, cũng như các DN, hộ sản xuất để kết nối đưa hàng vào hệ thống phân phối của công ty. Theo đó, nhóm hàng nông sản thực phẩm như rau củ quả, hàng thủy hải sản đã đạt tỷ lệ 100% là hàng đạt chuẩn VietGAP, GloboGAP. Cá biệt có những nhóm hàng như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, một số loại rau củ quả đang bán tại Mega Market được liên kết với các đơn vị DN để truy xuất nguồn gốc ngay từ khi sản phẩm được nuôi trồng, tạo sự yên tâm cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều DN vẫn chưa thật sự chuẩn bị tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Đại diện Công ty Vicommerce cũng cho biết, công ty đã ký kết nhiều bản ghi nhớ với các DN để cung cấp hàng hóa. Nhưng sau đó, nhiều nhà cung cấp lại thiếu hồ sơ, thủ tục, không đủ năng lực cung ứng. Bên cạnh đó, các DN cung ứng hay nông dân thường không trường vốn, trong khi nhà bán lẻ ít nhất cũng phải 15 ngày sau khi giao hàng mới có thể thanh toán. Đây cũng là trở ngại khiến các HTX, DN địa phương không muốn đưa hàng vào siêu thị.
“Nguyên nhân chính là quy mô sản xuất hàng hóa tại các địa phương thường nhỏ lẻ, chủng loại và số lượng hàng hóa không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu thu mua. Không chỉ vậy, nhiều hộ nông dân, HTX nông nghiệp còn ngại làm hồ sơ công bố năng lực để bán hàng vào siêu thị, nên chúng tôi mất khá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm và đưa hàng của DN vào siêu thị”, đại diện marketing của một hệ thống phân phối cho biết.
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, TP.HCM đã tổ chức chương trình “Chắp cánh hàng Việt” và xem hệ thống phân phối là chủ thể chính trong quá trình triển khai thực hiện thông qua việc hợp sức để thống nhất các tiêu chí cụ thể cho từng ngành hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là việc các DN sản xuất phải đảm bảo các tiêu chí chung được đưa ra, hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Nói cách khác, các nhà phân phối sẽ phát tín hiệu thị trường, từ đó DN sản xuất tham gia cung ứng phải định hướng quá trình sản xuất. Khi nguồn hàng đã có đủ và đáp ứng yêu cầu, thành phố sẽ kết nối để các DN có thể thỏa thuận mua và bán theo giá thị trường. Cách làm này giúp nâng trách nhiệm của DN sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm của thành phố. Người dân sẽ được cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm có thương hiệu, có chất lượng và an toàn.
Đánh giá kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bên cạnh việc khơi gợi và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt và lòng tự tôn dân tộc đối với hàng Việt Nam, thì mục đích hướng tới là giúp DN sản xuất Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh nhằm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo nguồn hàng và nhu cầu đời sống người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và gắn với an toàn thực phẩm.