Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để bứt phá
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu cầu toàn cầu theo hướng ưu tiên “tiêu dùng xanh” đặt ra không ít thách thức cho các sản phẩm Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi, ông Hòa đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp được tham gia dự thầu công trình đầu tư công và được vay vốn từ chương trình kích cầu; thành lập tổ công tác xét duyệt các dự án đầu tư và có cơ chế để doanh nghiệp đang đầu tư tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, các dự án chuyển tiếp được tham gia chương trình kích cầu. Bên cạnh đó, thành phố cần có giải pháp đón nhận dòng dịch chuyển vốn FDI, sớm thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất đến hạn và ban hành giá đất khu công nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường và tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với cộng đồng doanh nghiệp thế giới.
TP. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển |
Theo các chuyên gia, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, thành phố cần tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước; có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình tinh gọn bộ máy hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản…
Góp ý chính sách để thành phố tiếp tục tăng trưởng đạt các mục tiêu đề ra năm 2025, TS.Hồ Hoàng Anh, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “TP. Hồ Chí Minh nên tập trung phân tích và xác định các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển trong xu hướng phát triển chung của thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, thiết lập một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một đô thị tiện nghi để định hướng cho thị trường phát triển”.
Về phía các doanh nghiệp, trước xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, cần nỗ lực đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để thực sự bứt phá, vươn tầm và đủ năng lực vượt qua những thách thức lớn. Nền tảng quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp có thể dựa vào để tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới và tạo bàn đạp tăng tốc là Trung tâm CMCN 4.0 tại TP. Hồ Chí Minh (C4IR) vừa được hình thành. Trung tâm này đóng vai trò là cầu nối quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tiên tiến, bắt kịp xu thế công nghệ hiện đại.
Nhìn nhận tình hình chung, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết năm 2024, kinh tế thành phố tiếp tục chịu tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài, cũng như những hạn chế tồn tại ở bên trong. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền thành phố, sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế thành phố tiếp tục có đà phục hồi tích cực. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn thành phố đạt mức tăng trưởng 7,17% so với cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách thành phố vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD); đóng góp 27% nguồn thu cho ngân sách quốc gia… Doanh nghiệp thành phố phải nỗ lực hơn nữa, tự vượt qua chính mình để tồn tại và góp phần vào sự phát triển của thành phố.
“Thời gian sắp tới, ngoài việc tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, giải quyết dứt điểm các tồn tại, thành phố tập trung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đảng bộ và chính quyền đã thể hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thì doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa, tự vượt qua chính mình để tồn tại và góp phần vào sự phát triển của thành phố”, ông Hoan nói.