Khách hàng nhận trái đắng
Chị Phạm Như Quỳnh (Quận 10. TP. HCM), một nhà đầu tư BĐS thứ cấp, năm 2007 đã bỏ toàn bộ vốn liếng của mình, trong đó có khoản vay ngân hàng không nhỏ với lãi suất cao để đầu tư 4 - 5 mảnh đất nền với diện tích trung bình từ 80 – 300m2 tại dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, với mong mỏi khi cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, hoàn chỉnh, giá đất lên sẽ bán sang tay kiếm lời. Song trái ngược với sự mong đợi của chị Quỳnh, đã gần chục năm nay, dự án vẫn “án binh bất động”.
Khu dân cư "kiểu mẫu" giờ vẫn chỉ là bãi cỏ hoang sau hơn 10 năm bán cho dân |
Trường hợp như chị Quỳnh khá phổ biến trong thời gian qua khi thị trường BĐS đóng băng, bởi đó là chuyện kinh doanh bình thường, lời ăn lỗ chịu. Song điều đáng nói ở đây, là rất nhiều người dân có nhu cầu sở hữu nhà đất thực sự, sau bao nhiêu năm cả gia đình gom góp mua được mảnh đất với mong ước xây dựng nhà cửa làm nơi an cư ổn định cuộc sống lại bị đẩy vào tình thế mắc kẹt, khổ sở.
Và không gì khác, chính việc mải chạy theo lợi nhuận, bỏ quên trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đã khiến không ít gia đình lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở”. Tiếp nối câu chuyện trên, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, dồn cả cơ nghiệp mua được mảnh đất nền diện tích 80m2 với mức giá 1,2 tỷ đồng từ năm 2010 thông qua nhà đầu tư thứ cấp theo hình thức góp vốn cũng tại dự án Bắc Rạch Chiếc.
Nhưng đến nay, sau khi phân lô bán nền, chủ đầu tư dường như là bỏ mặc dự án cho cỏ lau mọc ngút đầu người, đường sá xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm không tôn tạo. Nhất là nhu cầu tối thiểu về điện nước cho những người dân mua đất xây nhà ở đến định cư tại dự án này cũng không được đảm bảo khiến cuộc sống tại khu dân cư được kỳ vọng là kiểu mẫu, giờ không khác ở giữa vùng nông thôn hẻo lánh.
Trên thực tế, Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc thuộc phường Phước Long A, Quận 9, TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2001 với tổng diện tích 89 ha. Chủ đầu tư là CTCP Địa ốc 10 (RES 10) và khoảng 7 - 8 công ty địa ốc thứ cấp chia nhau thực hiện các hạng mục. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm đầu tư, dự án này đến nay vẫn đìu hiu, nhà cửa lác đác, đường sá xuống cấp lầy lội.
Từ mấy năm nay, cư dân khu vực này đã đấu tranh rất nhiều lần, thậm chí đòi kiện chủ đầu tư là RES10 và các đơn vị thứ cấp nhưng tất cả vẫn không có thay đổi gì, nỗi khổ của người dân vẫn bị “mặc kệ”.
Ông Lê Văn Hiền, định cư trong khu dự án gần 10 năm nay cho biết, theo hợp đồng góp vốn đã ký, chủ đầu tư giữ lại một phần tiền sau khi khách hàng mua đất nền để hoàn tất sổ hồng cho người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Nhưng đến nay, ngần ấy thời gian trôi qua mà mấy chục hộ dân chưa ai có sổ hồng, khiến cho việc đăng ký tiêu dùng điện, nước hết sức khó khăn.
Thêm vào đó, do khu dân cư khá rộng lại vắng vẻ nên phần lớn nhà nào cũng đã bị trộm cắp “ghé thăm”, việc mất đồ đạc, tiền bạc đều phải tự gánh chịu, không có ban quản lý như các dự án khác. Các hộ dân ở đây đã phải tự đóng tiền, tự thuê bảo vệ canh gác trong khu vực. “Điều này có lẽ chỉ có ở khu dân cư "kiểu mẫu" này mà thôi!”, ông Hiền chua chát nói.
Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc được đánh giá có vị thế đẹp khi bên ngoài là xa lộ Hà Nội, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên chạy qua, lại nằm sát cạnh sông Sài Gòn. Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc nằm trong tổng thể khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, sân Golf Quận 2, Metro An Phú và chỉ cách trung tâm thành phố khoảng vài km qua hướng cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm và hầm Thủ Thiêm.
Đồng thời, đây cũng là dự án đầu tiên mà UBND TP.Hồ Chí Minh thực hiện mô hình thí điểm kêu gọi đầu tư với phương thức một chủ đầu tư chính và các nhà đầu tư thứ cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhưng trái ngược với sự mong đợi, do có quá nhiều chủ đầu tư nên đến nay cơ sở hạ tầng vẫn còn lộn xộn, không đồng bộ theo kiểu "cha chung không ai khóc".
Năm 2013, UBND TP. HCM đã có cuộc họp bàn về tiến độ dự án này. Tại cuộc họp, Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo RES10 trong 1 năm phải hoàn thành cơ sở hạ tầng của khu dân cư.
Đồng thời UBND Quận 9 cũng đã ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải sớm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trước tháng 3/2014. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, đến thời điểm hiện tại công ty này vẫn đang "án binh bất động" dù thời hạn hoàn thành đã hết.
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã liên hệ qua điện thoại với ông Phan Bá Thái, Tổng giám đốc mới nhậm chức (thay ông Mai Di Tám, nguyên Tổng giám đốc công ty là người chỉ đạo tiến hành dự án đã nghỉ hưu theo chế độ) tìm hiểu về tiến độ thi công cũng như những cam kết mà chủ đầu tư đã hứa với người dân, nhưng chỉ được ông Thái giải thích rất ngắn gọn, và dường như không thuộc trách nhiệm của mình: "Công ty đang có khó khăn về tài chính nên hiện thời không lấy đâu ra nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng", rồi nhanh chóng cúp máy. Và như vậy, nỗi cơ hàn của bao nhiêu hộ dân sẽ còn tiếp tục nếu không có sự chỉ đạo cụ thể từ cơ quan quản lý cấp trên và sự vào cuộc của cơ quan chức năng.