Các khu công nghiệp phía Nam phát triển sôi động cùng hạ tầng giao thông
Bình Dương khẩn trương hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực chuyển dịch mô hình khu công nghiệp |
Hiện, vùng Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây cũng là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ 5 phương thức vận tải, đóng vai trò kết nối quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế như: Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (đang đầu tư xây dựng), hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay sẽ thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.
Đến nay, tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã và đang được hoàn thiện nhằm đồng bộ hạ tầng giao thông vùng. Có thể kể đến như tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (kết nối Thành phố và tỉnh Đồng Nai); tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn từ Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang đã đưa vào sử dụng…
Cùng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản cũng trở nên sôi động. Chỉ tính riêng trong quý 3/2024, thị trường ghi nhận hơn 200 ha đất công nghiệp được hấp thụ. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường ổn định ở mức 90%. Các nhà sản xuất có xu hướng mở rộng ra các thị trường như Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi quỹ đất công nghiệp còn tương đối dồi dào cùng với giá thuê cạnh tranh hơn so với các thị trường cấp 1 khác.
Trong khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử chiếm phần lớn về đầu tư đất công nghiệp tại miền Bắc, còn tại khu vực phía miền Nam, nhu cầu thuê đất công nghiệp đến từ các ngành nghề đa dạng. Dự án đầu tư nổi bật trong quý là dự án điện gió vào Long An với 50 ha đất công nghiệp tại Khu công nghiệp Đông Nam Á và dự án dịch vụ hạ tầng Sembcorp, hoạt động linh vực kho bãi, cho thuê nhà xưởng, tại khu công nghiệp VSIP 3, Bình Dương.
Kể từ năm 2023 đến nay, các tỉnh thành cấp 1 tại miền Nam không có khu công nghiệp nào mới đi vào hoạt động. Giá đất công nghiệp tại các thị trường (TT) cấp 1 miền Nam tăng nhẹ 0,3% so với quý trước và 1,0% so với cùng kỳ năm trước, đạt ngưỡng trung bình 174 USD/m2/kỳ hạn còn lại.
Theo ghi nhận CBRE, trong quý 3 hoạt động cho thuê sôi động ở cả hai loại hình kho và xưởng xây sẵn. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của nhà kho tăng 7% so với quý trước, đạt 68% và tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây tăng 3% so với quý trước, đạt 84%. Tính chung 9 tháng năm 2024, thị trường cấp 1 miền Nam đã cho thuê được gần 420.000 m2 nhà kho và 543.000 m2 nhà xưởng, cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm ngành nhu cầu về kho xưởng xây sẵn miền Nam đến từ các nhà sản xuất ở lĩnh vực công nghệ cao, linh kiện điện tử, hậu cần, bên cạnh sự mở rộng của các công ty thuộc lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong đó, đã có hơn 140.000m2 kho xưởng được ghi nhận hoàn thành và dự kiến sẽ có thêm hơn 150.000 m2 kho xưởng vào cuối năm 2024, chủ yếu là tại Long An.
Về giá thuê trung bình, giá thuê kho xưởng xây sẵn tại thị trường miền Nam vẫn giữ mức ổn định so với quý trước lần lượt đạt 4,6 và 4,9 USD/m2/tháng, với mức tăng trưởng đạt 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái đối với nhà kho và 0,4% đối với nhà xưởng.
Trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 5-8%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1- 4%/năm với phân khúc xưởng xây sẵn sẽ có tốc độ tăng giá cao hơn trong ba năm tới.
Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cuối năm 2023 vừa qua, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng đã giúp những nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL từng bước được tháo gỡ.
Đây cũng là 2 dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ dài 120km. Việc thông tuyến cao tốc này cũng góp phần hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Với sự đầu tư mạnh mẽ hơn trong phát triển hạ tầng giao thông khu vực phía Nam, thị trường BĐS công nghiệp đang lan ra những khu vực mới như các thị trường cấp 2 và ĐBSCL, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Thị trường BĐS công nghiệp từng là thị trường truyền thống, chủ yếu được phát triển bởi các chủ đầu tư trong nước. Tuy nhiên trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn từ các chủ đầu tư nước ngoài, đến từ Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan”.