Khai mạc Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm”
Cần nâng cao trách nhiệm của người vay nợ | |
Quyền xử lý tài sản bảo đảm dưới góc nhìn kinh tế | |
Ách tắc xử lý tài sản bảo đảm gây khó cho nợ xấu |
Để góp phần nâng cao nhận thức chung về quyền xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) hợp pháp của tổ chức tín dụng (TCTD) với vai trò là bên nhận bảo đảm, cũng như phản ánh các bất cập, khó khăn, vướng mắc của TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ, từ đó kiến nghị các cơ quan nhà nước liên quan xem xét hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý TSBĐ, ngày 6/12/2016, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vụ Pháp chế (NHNN) và Thời báo Ngân hàng đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng“.
PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN; TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chủ trì hội thảo |
Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN; TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đồng chủ trì. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Công An (C46, A84), một số NHTM, các chuyên gia kinh tế, luật sư… và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, thu hồi nợ vay, khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Kết quả, trong 4 năm qua, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2012: 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013: 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014: 143,55 nghìn tỷ đồng; năm 2015: 186,89 nghìn tỷ đồng), trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý chiếm 55,4%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc hội thảo |
Ngoài các giải pháp bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp… xử lý TSBĐ để thu hồi nợ là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu vì hơn 90% khoản nợ xấu có TSBĐ. Tuy nhiên, biện pháp xử lý TSBĐ (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả chỉ đạt khoảng 13,91 nghìn tỷ đồng. Số liệu này cho thấy việc xử lý TSBĐ thu hồi nợ còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết, thực tiễn xử lý TSBĐ của hệ thống TCTD thời gian qua cho thấy còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD nhận bảo đảm. "Các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, có những khoảng trống đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cho biết, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 và Nghị quyết Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 đều đặt ra nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng là “kiểm soát chặt chẽ, xử lý có hiệu quả nợ xấu… theo nguyên tắc thị trường”, Phó thống đốc nêu rõ: "Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ nói riêng phải được phát hiện và xử lý kịp thời".
Quang cảnh hội thảo |
Theo đó, việc xử lý hiệu quả TSBĐ đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận. Thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ TSBĐ. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh.
Phó Thống đốc cũng kỳ vọng, các ý kiến tham luận, trao đổi, kiến nghị của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp NHNN, các cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý TSBĐ, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh, tạo lập khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để TCTD thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của mình.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo).