Khơi thông cho DN mở rộng thị trường Nga
“Các bộ ngành sớm trình Chính phủ giải pháp thanh toán song phương VND và đồng Ruble”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói trong cuộc tọa đàm xúc tiến thương mại vào Liên bang Nga hôm cuối tuần ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, dự báo của Trung tâm nghiên cứu phân tích thị trường BIDV cho biết, nếu có hình thức thanh toán song phương trực tiếp hai đồng bản tệ là VND (Việt Nam) và Ruble (Nga), giá trị thương mại Việt Nam năm 2016 sẽ tăng 15% so với năm 2008 khi các hiệp định thuế quan giữa hai quốc gia được thông qua năm 2015. “Cách thức thực hiện thanh toán liên thông hai đồng bản tệ này sẽ tương tự như Nga đã ký kết với Trung Quốc”, ông Hà đề xuất.
Hàng Việt Nam có lấp được khoảng trống của Nga sau lệnh cấm vận của Mỹ và EU
Hiện nay, Nga là quốc gia đứng thứ ba trong đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký tính đến tháng 6/2014 vào khoảng hơn 2 tỷ USD. Những dự án lớn của các doanh nghiệp Việt như Trung tâm thương mại Hà Nội – Moskva, 129ha KCN của Nga vừa được Vinatex thuê… Ngoài ra, thương mại hai chiều trong năm 2013 đạt 2,76 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,91 tỷ USD và nhập khẩu từ Nga 853 triệu USD.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch CTCP thủy sản Hùng Vương cho biết, buôn bán vào thị trường Nga những năm qua rủi ro thấp nhất. Thế nhưng, hiện nay các nhà xuất khẩu Việt Nam đang phải thực hiện việc thanh toán bằng cách chuyển từ Ruble sang Euro hoặc sang USD đã làm cho các giao dịch chậm chạm ít nhất 1 tuần so với các thị trường khác. “Nếu có chính sách cho các ngân hàng của mình thanh toán trực tiếp với Nga sẽ là một công cụ bọc lót cho doanh nghiệp chúng tôi tiết giảm thời gian và chi phí thanh toán”, ông Minh nói.
Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga thời gian qua chủ yếu dệt may, da giày, cá basa,…Mới đây, do vấn đề liên quan đến Ukraine đã tác động xấu đến quan hệ chính trị - kinh tế giữa Mỹ và EU với Nga làm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung hàng hóa vào Nga. Thống kê cho thấy, mỗi năm Nga nhập khẩu khoảng 5,5 tỷ USD trái cây, ngành công nghiệp nhẹ nước này gần như không phát triển thời hậu Xô-Viết… nên doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn để bán hàng cho nước Nga - thị trường rất chuộng hàng hóa châu Á.
Trong một diễn biến mới nhất, BIDV đã cam kết tài trợ 50 triệu USD cho 2 dự án của Vinatex và thủy sản Hùng Vương đầu tư vào Nga. Theo đó, từ nay đến cuối năm, BIDV sẽ dành ra 3.000 tỷ đồng tín dụng giá thấp cho những doanh nghiệp chế biến sản xuất hàng xuất khẩu vào Nga.
Theo ông Trần Bắc Hà, Nhà nước sớm có một cơ chế tiền vay theo hướng hỗ trợ lãi suất và kỳ hạn vay đối với những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Theo đó các ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán, chứng thư xuất khẩu, chiết khấu hối phiếu,… để phục vụ doanh nghiệp làm ăn ở ngoài lãnh thổ. Thực tế tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đến nay đã lên tới 49 tỷ USD, nhưng vẫn chưa có một Quỹ bảo lãnh đầu tư ra nước ngoài.
Chênh lệch lãi suất ngoại tệ giữa Việt Nam và Nga hiện nay là lợi thế lớn nhất cho các ngân hàng. Theo đại diện BIDV, hiện lãi suất cho vay bằng USD của các NHTM trên thị trường trong nước là 6,5-7%/năm, trong khi mức lãi suất này tại thị trường Nga lại vào khoảng 10-11%/năm kỳ hạn ngắn và lên tới 13%/năm đối với trung dài hạn.
Nếu có một cơ chế tháo gỡ thủ tục vay vốn cho khu vực đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ giảm rất nhiều chi phí lãi vay và hỗ trợ hiệu quả kinh doanh cho các ngân hàng Việt Nam. Kỳ vọng vào lợi thế tiền tệ, BIDV hy vọng TP. Hồ Chí Minh và khu vực ĐBSCL sẽ là các trung tâm cung cấp hàng may mặc, da giày, nông thủy sản… cho thị trường Nga trong thời gian tới.
Bài và ảnh Phạm Hà Nguyên