Không có nước nào bị Mỹ gắn nhãn "thao túng tiền tệ", kể cả Trung Quốc
Đồng nhân dân tệ đã tăng giá 5% so với USD kể từ đầu năm |
Báo cáo bán niên của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, không có quốc gia nào bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, nhưng vẫn giữ tên Trung Quốc trên danh sách giám sát tiền tệ mặc dù thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu của Trung Quốc đã giảm từ năm 2016. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã tăng mạnh khoảng 5% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay, đảo ngược 3 năm suy giảm liên tiếp với tổng mức giảm là 12%.
Bộ Tài chính Mỹ trích dẫn việc thặng dư thương mại lớn và bất thường của Trung Quốc với Mỹ để lý giải cho động thái này. “Bộ Tài chính Mỹ vẫn còn quan ngại về sự thiếu tiến bộ trong việc giảm thặng dư thương mại song phương”, cơ quan này cho biết trong bản báo cáo. “Trung Quốc tiếp tục theo đuổi một loạt các chính sách hạn chế tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu”.
Theo thống kê, thâm hụt thương mại Mỹ-Trung trong tháng 8 đạt tới 34,9 tỷ USD, gần mức cao nhất trong 2 năm.
Tuy nhiên những lời lẽ của Bộ Tài chính Mỹ với Trung Quốc đã dịu đi khá nhiều. Nếu như trong báo cáo tháng 4, Bộ Tài chính đã chỉ trích những nỗ lực của Trung Quốc trong quá khứ để giảm giá đồng nhân dân tệ. Thì trong báo cáo mới nhất, họ nói những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh để ngăn chặn sự mất giá đột ngột của đồng nhân dân tệ có thể đã giúp Hoa Kỳ. “Một sự mất giá tiền tệ mất trật tự... sẽ có những hậu quả tiêu cực đối với Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu”, Bộ Tài chính cho biết.
Còn nhớ trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Trump đã không ít lần chỉ trích Trung Quốc là đã “ăn cắp” việc làm và sự thịnh vượng của Mỹ bằng cách giảm giá đồng tiền của mình, và hăm dọa sẽ gắn nhãn “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc ngay khi ông nhậm chức - một động thái có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt và các hành động khác. Thế nhưng, những bình luận của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc đã ít khắc nghiệt hơn kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Giêng năm nay.
Bốn đối tác thương mại khác nằm trong danh sách giám sát trong tháng 4 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Thụy Sĩ cũng vẫn nằm trong danh sách hiện nay. Chính quyền Mỹ cho biết họ đã bỏ Đài Loan khỏi danh sách vì nước này đã giảm quy mô của các biện pháp can thiệp ngoại hối.
Phó thống đốc ngân hàng trung ương Đài Loan Ching-Long Yang cho biết sẽ tiếp tục cuộc đối thoại tiền tệ với Washington.
Trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc phụ trách thị trường tiền tệ nói rằng quyết định của Washington đúng như mong đợi, lưu ý rằng thặng dư thương mại với Mỹ thu hẹp đã giúp Hàn Quốc tránh bị gắn nhãn “thao túng tiền tệ”.
“Thị trường tiền tệ được điều hành theo định hướng thị trường và chúng tôi chỉ tiến hành các biện pháp nhẹ trong các trường hợp thị trường có biến động mạnh”, Kim Yoon-kyung, Tổng giám đốc Phòng tài chính quốc tế của Bộ Tài chính Hàn Quốc nói với Reuters qua điện thoại.
Được biết, Bộ Tài chính Mỹ vẫn giữ nguyên 3 tiêu chí chính để xác định việc thao túng tiền tệ được chính quyền Obama đưa ra vào năm ngoái: thặng dư thương mại song phương với Mỹ từ 20 tỷ USD trở lên; thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu ít nhất là 3% GDP; và liên tục mua ngoại tệ bằng 2% GDP trong 12 tháng.
Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, hiện không có quốc gia nào được xác định đã đáp ứng cả ba tiêu chí này. Bộ này nói rằng một quốc gia sẽ được đưa vào danh sách giám sát nếu nó đáp ứng hai tiêu chí hoặc nếu nó chiếm tỷ trọng lớn và không cân xứng trong tổng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Các nước đưa vào danh sách sẽ ở đó ít nhất là hai báo cáo tiền tệ liên tiếp “để giúp đảm bảo rằng bất kỳ cải thiện hiệu suất so với các tiêu chí là bền vững”.