Không để CMCN 4.0 bỏ rơi người nghèo
Tận dụng cơ hội thời công nghiệp 4.0 | |
Ngành Ngân hàng và cuộc CMCN 4.0: Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo đột phá | |
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo |
Tín dụng tam nông ngày càng được hoàn thiện
Sau hơn 30 năm đổi mới, tài chính cho khu vực nông nghiệp - nông thôn tại Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, các chương trình tín dụng của ngành Ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, cho người nghèo là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo: Kinh nghiệm của Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Hiệp hội Tín dụng nông nghiệp nông thôn châu Á – Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tổ chức, ngày 5/9, tại Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cùng các dòng vốn đầu tư khác của nhà nước, của DN và người dân giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu đặt ra. Đồng thời đưa Việt Nam từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chuyển mình thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 với quy mô kinh tế đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD năm 2017.
Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số kết quả nổi bật của tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và người nghèo. Đó là hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng không ngừng được đổi mới, hoàn thiện mạnh mẽ theo hướng mở rộng cả về đối tượng, hạn mức và thủ tục vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Bên cạnh đó, mạng lưới các TCTD tham gia cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn không ngừng được mở rộng về quy mô, hệ thống mạng lưới, đa dạng về loại hình hoạt động; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng được các TCTD chú trọng đầu tư, đổi mới, tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận với chi phí giao dịch thấp như: Internet banking, Mobile banking…
Nhờ đó, tín dụng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn, cho người nghèo có mức tăng vượt bậc: Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 20%/năm, tín dụng chính sách tăng bình quân trên 13%/năm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân.
Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo: Kinh nghiệm của Việt Nam” tổ chức ngày 5/9, tại Hà Nội |
Minh chứng thêm cho những thành công của tín dụng nông nghiệp - nông thôn và người nghèo, ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách của ngân hàng đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Với hơn 20 chương trình tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới gần 94% tổng dư nợ.
“Hoạt động tín dụng của NHCSXH đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp dần chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng là ngân hàng chủ lực cho vay tam nông, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đã đạt gần 1 triệu tỷ đồng, phục vụ trên 4 triệu khách hàng; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn đạt trên 683 nghìn tỷ đồng với 3,3 triệu khách hàng. Từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng cho vay nông nghiệp - nông thôn bình quân đạt trên 70% tổng dư nợ, chiếm trên 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp - nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng.
Không chỉ là con số dư nợ, mà Agribank luôn đổi mới phương thức phục vụ hộ nông dân, gần đây nhất là triển khai Đề án điểm giao dịch lưu động hay còn gọi là Ngân hàng lưu động từ tháng 9/2017. Qua đó, ngân hàng mang được các dịch vụ, tiện ích ngân hàng đến với người dân thuộc địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng lưu động có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng cơ bản: huy động vốn, giải ngân, thu nợ, chuyển tiền, mở tài khoản…
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Chính phủ, NHNN đã sử dụng nhiều giải pháp khuyến khích các TCTD mở rộng tín dụng thương mại phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn lớn (trên 40%); khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành nhiều chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như cho vay tín chấp, quy định trần lãi suất cho vay... |
Chung tay nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Bên cạnh những thành công thì hàng loạt tồn tại, hạn chế ảnh hưởng tới tài chính nông nghiệp - nông thôn cũng được các chuyên gia tại hội thảo nêu ra như vốn đầu tư tư nhân ít; số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng dưới 2%), chủ yếu là DNNVV; quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất hạn chế; sản xuất nông nghiệp thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; thị trường bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển...
Nhận diện được những thách thức đó, các diễn giả kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành, nhà tài trợ tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá...
“Xem xét mở rộng đối tượng đầu tư một số dự án tài trợ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng số lượng khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”, đại diện Agribank đề nghị và cho rằng, cần xây dựng quy hoạch và định hướng ngành, các vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những vùng tập trung quy mô lớn, mô hình chuỗi giá trị liên kết trên cơ sở thế mạnh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ ngân sách cần mở rộng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.
Lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn luôn được sự ưu tiên đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng |
Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức khi cuộc CMCN 4.0 ập đến, ông Trần Hữu Ý – Giám đốc Trung tâm đào tạo NHCSXH cho rằng, không để cuộc CMCN 4.0 bỏ rơi người nghèo. Công nghệ số đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang được số hóa rất nhanh, dẫn đến nhiều thay đổi cơ bản trong cách thức phục vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, người nghèo không bị bỏ rơi mà còn được phục vụ tốt hơn.
Theo ông Ý, khách hàng của NHCSXH đã được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn, có thể được phục vụ mọi lúc, mọi nơi. Từ năm 2017, NHCSXH đã tiến hành triển khai dần công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, bắt đầu với dịch vụ tin nhắn SMS. Đây là bước đầu giúp hộ nghèo làm quen với công nghệ số; giúp NHCSXH thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng nhằm mục đích phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đưa dịch vụ không chỉ đến tận nhà khách hàng mà còn có thể phục vụ 24/7.
Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục đồng hành cùng người nghèo, mang lại cho họ những dịch vụ tiện ích hơn thông qua việc hoàn thiện và mở rộng dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền, chi trả kiều hối… Phấn đấu hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trên thế giới, giúp người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ hiện đại.
Ông Prasun Kumar Das - Tổng thư ký Hiệp hội Các tổ chức tín dụng châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào phát triển tài chính nông nghiệp, nông thôn để mang lại sự phát triển toàn diện trên toàn quốc và đã tuân thủ các nguyên tắc của các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. APRACA đang hỗ trợ hai ngân hàng (NHCSXH và Agribank) xây dựng năng lực để đạt các mục tiêu đó thông qua trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức khác, thông qua tham quan các mô hình thành công nhất và đào tạo cán bộ.
“APRACA cũng hỗ trợ hai tổ chức thành viên ở Việt Nam để xây dựng các thể chế ở nông thôn nhằm cung cấp tín dụng cần thiết cho việc phát triển và khởi nghiệp. Đồng thời, cam kết ủng hộ mọi sáng kiến ở Việt Nam để cải thiện dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ những cộng đồng người dân sinh sống trên nhiều vùng miền với điều kiện thời tiết, khí hậu khác nhau”, ông Prasun Kumar Das nhấn mạnh.