Tận dụng cơ hội thời công nghiệp 4.0
Ngành Ngân hàng chủ động trong Cách mạng công nghiệp 4.0 | |
Số hóa: Mở cửa đón nhận hay cài then để tụt hậu? | |
Chủ động với cách mạng công nghiệp 4.0 |
Lợi thế dữ liệu lớn cho công tác quản lý
Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã đặt ngành Ngân hàng vào bối cảnh đan xen cơ hội cũng như thách thức. Tận dụng cơ hội là điều mà các nhà quản lý phải tính toán để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống.
Giới chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thành tựu của CMCN 4.0 tác động tới lĩnh vực tài chính ngân hàng tạm phân ra hai giai đoạn. Giai đoạn đầu của sự tác động này (2008-2015) từ sự ra đời của thuật toán đám mây, các phần mềm mã nguồn mở, điện thoại thông minh… Còn hiện nay đã ở giữa giai đoạn thứ hai (2016-2020), với sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, blockchain, khoa học dữ liệu, nhận diện số và sinh trắc học.
Trong xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp đòi hỏi các nhà quản lý, mà ở đây là NHNN phải có chiến lược để chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy thế mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và phát triển hoạt động ngân hàng.
Các phương tiện thanh toán hiện đại ngày càng phát triển |
Đối với hoạt động điều hành, lợi thế về công nghệ giúp NHNN đẩy nhanh được tiến trình hiện đại hóa, chuyển đổi các dịch vụ cung ứng của NHNN từ chủ yếu xử lý thủ công sang môi trường điện tử. Bên cạnh đó, nhờ vào dữ liệu lớn (Big Data), việc phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có thêm nhiều thuận lợi.
“Việc thu thập, phân tích xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định phù hợp và nhanh hơn, giảm được chi phí, nhất là tạo thuận lợi cho công tác dự báo, thống kê về hoạt động tiền tệ - ngân hàng”, một chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ và cho rằng, công nghệ phát triển giúp hệ thống ngân hàng dễ dàng hơn trong thu thập, phát triển cơ sở dữ liệu, thuận tiện cho công tác thống kê, phân tích, dự báo nhưng ngành Ngân hàng cũng gặp không ít thách thức trong điều hành và ứng phó trước sự phát triển của các trào lưu thanh toán hiện đại.
Tuy nhiên, các thách thức đặt ra đối với hoạt động điều hành chính sách của NHNN cũng không hề nhỏ trong bối cảnh tiền kỹ thuật số ngày càng được sử dụng và chấp nhận rộng rãi. Bên cạnh đó là việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro trong thanh toán và an toàn hoạt động toàn hệ thống trong xu hướng các hoạt động tài chính phi ngân hàng/ngân hàng ngầm ngày càng phát triển.
Trong khi hạ tầng thanh toán phát triển chưa đồng đều và chưa thực sự hoàn thiện; Ngành Ngân hàng cũng có thể gặp khó khăn để hội nhập và kết nối với hệ thống thanh toán khu vực và quốc tế nếu không chủ động cải tiến công nghệ và nắm bắt các xu hướng mới.
Chuyển đổi mô hình quản trị, cấu trúc sản phẩm
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, ngành Ngân hàng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi tiến bước vào kỷ nguyên 4.0, đó là yêu cầu đối với cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng - tài chính thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0; phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành Ngân hàng; phải điều hành CSTT, kiểm soát dòng tiền trong bối cảnh tiền điện tử ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Theo Phó Thống đốc, các tổ chức ngân hàng - tài chính phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như cần thiết lập khuôn khổ, cơ chế hữu hiệu trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.
Có thể thấy sự chuyển động rõ nhất gần đây chính là Ngân hàng số - mô hình ngân hàng có nhiều điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh so với mô hình ngân hàng truyền thống. Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam cũng chủ động tăng cường hợp tác với các tổ chức Fintech cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán… Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính Ernst & Young Việt Nam, Phó chủ tịch CLB VietFintech cho rằng, trong vài năm trở lại đây, không chỉ những ngân hàng lớn mà các công ty tài chính cũng không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay. Sự chuyển động này đã đem đến những lợi ích nhất định cho người dùng.
Nhìn tổng thể hơn, bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng, sự phát triển của công nghệ còn tăng cường tính minh bạch trong thị trường tài chính. Công nghệ làm giảm tình trạng thiếu hụt thông tin trong thị trường tài chính. Và một hệ thống báo cáo tín dụng hoạt động hiệu quả, cần phải có khả năng xác thực nhân thân của từng cá nhân. Để giải quyết tình trạng này, nhiều nước đã áp dụng những giải pháp công nghệ mới để cải thiện công tác xác thực nhân thân người đi vay.
Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia đã ứng dụng hệ thống định danh sinh trắc học. Qua đó, mỗi cá nhân có một số định danh (số căn cước) Aadhaar được kết nối với dữ liệu sinh trắc học, bao gồm ảnh, quét mống mắt, vân tay, được liên kết với hồ sơ tín dụng của từng cá nhân. “Việc áp dụng công nghệ này giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng xác thực nhân thân của người đi vay, cải thiện tính minh bạch và giảm vấn đề thông tin bất đối xứng ở thị trường tín dụng” – đại diện của Ernst & Young Việt Nam cho biết.
Nhận thức được tiềm năng, cơ hội mở ra cho thị trường Việt Nam từ phát triển ngân hàng số và hoạt động hợp tác Fintech, NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của Ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0, tập trung vào: Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; Tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; Tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thành tựu CMCN 4.0 trong ngành Ngân hàng. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh |