Không dễ đo đếm kinh tế ngầm
Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện tính toán kinh tế ngầm vào GDP ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đề án. Các chuyên gia kinh tế lại cho rằng việc đo kinh tế ngầm khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Cách tích cực nhất là hãy kiểm soát cho tốt những hệ thống chính thức |
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 1990, TCTK đã ước tính quy mô kinh tế ngầm vào khoảng hơn 10% GDP. Khoảng 10 năm trước đây, lại có những báo cáo đánh giá thực hiện bởi một số cơ quan, tổ chức khác, trong đó thực hiện đo lường bằng lượng tiền mặt ngoài lưu thông, kết quả cho thấy giá trị khu vực này bằng khoảng 33-55% GDP.
Điều này cho thấy quy mô của kinh tế ngầm thay đổi khá nhanh. Tuy nhiên, hiện nay việc đo lường kinh tế ngầm phụ thuộc vào một số vấn đề mà trước hết là vào khái niệm khu vực phi chính thức, có kiểm soát được hoặc có thống kê ở mức tương đối hay không, chưa kể sử dụng phương pháp nào...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, ngay cả ở các nước có nền quản trị rất tốt, tính minh bạch cao, hệ thống thể chế chính sách khá hoàn thiện cũng không thể kiểm soát được kinh tế ngầm. Kinh tế ngầm tồn tại ở bất cứ quốc gia nào với tỷ trọng từ 16 - 25% GDP tùy từng quốc gia.
Cách tích cực nhất là hãy kiểm soát cho tốt những hệ thống chính thức. Chẳng hạn khu vực DNNN đang nắm trong tay nguồn lực khổng lồ nhưng trong hoạt động còn quá nhiều vấn đề. Cần tập trung kiểm soát DNNN, tăng được hiệu quả của DN là đã tốt cho nền kinh tế rất nhiều.
Giải pháp khác để tăng quy mô nền kinh tế là khuyến khích khu vực phi chính thức trở thành chính thức, cụ thể là có cơ chế chính sách để kinh tế hộ gia đình chuyển lên DN. Kinh tế hộ gia đình đang chiếm khoảng 30% GDP, tạo công ăn việc làm lớn nhất trong xã hội.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu quan điểm, không nên tính kinh tế ngầm vào GDP để làm tăng quy mô của nền kinh tế. Nếu kinh tế không chính thức mà tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhiều. Khi GDP tăng lên sẽ làm thay đổi nhiều con số, như tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ nợ công trên GDP dĩ nhiên sẽ nhỏ đi.
“Trong thực tế, vào giai đoạn khủng hoảng nợ, một số quốc gia châu Âu cũng muốn tính thêm các hoạt động phi pháp, không chính thức vào GDP để "làm đẹp" hồ sơ tăng trưởng kinh tế, giúp giảm nợ và thâm hụt thương mại, nên chúng ta chỉ nên lượng hóa kinh tế ngầm để biết”, ông Thành chia sẻ.
Nhìn rộng hơn về mặt chính sách, TS. Võ Trí Thành cho rằng đặt vấn đề đo kinh tế ngầm hiện nay còn vì mục đích lớn hơn mục đích “làm đẹp số liệu”. Đó sẽ có cách nhìn toàn diện hơn về kinh tế, xã hội, về hỗ trợ xã hội từ đó sẽ thay đổi rất nhiều về chính sách, kể cả hạn chế tiêu cực của nó.
Kinh tế ngầm là hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tránh phải thực hiện các quy định của nhà nước về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện về sức khỏe của người lao động…
Hoạt động ngầm cũng không phải thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê. Chưa kể trong kinh tế ngầm còn phải kể đến hoạt động kinh tế phi pháp với các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm.
“Đây là những thành tố rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin để tính toán”, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ.