Kiểm soát tín dụng bằng công cụ gián tiếp
TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được giảm dự trữ bắt buộc | |
Sửa đổi, bổ sung quy chế dự trữ bắt buộc đối với các TCTD |
Dư nợ tín dụng nền kinh tế là một cấu thành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phương tiện thanh toán, khoảng trên 75%. Vì vậy việc tăng trưởng tín dụng sẽ tác động mạnh đến sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, mức độ tác động đến lạm phát từ yếu tố tiền tệ, mà trực tiếp từ sự gia tăng tín dụng còn phụ thuộc vào chất lượng khoản vay.
Một đồng tín dụng hiệu quả sẽ tạo ra một sự tăng trưởng tương đương trong GDP, còn nếu không hiệu quả sẽ không tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế, mà còn sẽ tác động mạnh đến lạm phát. Chính vì vậy, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng với chất lượng tín dụng là giải pháp quan trọng kiểm soát lạm phát từ yếu tố tiền tệ.
Ảnh minh họa |
Tại chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo an toàn, hiệu quả năm 2016, NHNN đã chỉ đạo các TCTD điều hành tín dụng tăng trưởng ở mức 17-18%, đi đôi với chất lượng và hiệu quả. Đây là mức tăng trưởng được tính toán có căn cứ khoa học và thực tế để kiểm soát mức lạm phát không quá 5% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%. Tuy nhiên, để kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng đúng định hướng không phải là việc đơn giản khi NHNN không dùng biện pháp hạn mức tín dụng như những năm trước.
Các công cụ tiền tệ gián tiếp đã được NHNN sử dụng để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng. Cụ thể: Thông qua công cụ dự trữ bắt buộc, và các chính sách tín dụng đã hướng các dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực mang lại hiệu quả đích thực cho nền kinh tế. Điển hình như những ngành trọng điểm, mũi nhọn, đầu tư vào những vùng, miền, ngành đang gặp khó khăn cần được phục hồi sản xuất.
Thông qua các quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài: Để đáp ứng đúng quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (theo Thông tư 36 tối thiểu là 9%), các NHTM chỉ có thể tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực tài chính - việc tăng quy mô vốn tự có của các NHTM được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình hàng năm.
Vì vậy, tỷ lệ này cũng là một cái van để hạn chế tăng trưởng tín dụng quá mức; thực hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng so với tổng tiền gửi, tỷ lệ khả năng chi trả, buộc các NHTM chỉ tăng trưởng tín dụng khi huy động được vốn và tăng vòng quay sử dụng vốn. NHNN có thể tác động vào tỷ lệ này thông qua việc điều tiết cung tiền…
Tuy nhiên, để các công cụ trên kiểm soát có hiệu quả tốc độ tăng trưởng tín dụng, đòi hỏi Cơ quan Thanh tra, giám sát NH thuộc NHNN, cần có biện pháp giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các tỷ lệ an toàn vốn. Theo đó, hạn chế đến mức thấp nhất việc các NHTM sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc tính toán các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Thêm vào đó, việc tiếp tục rà soát cơ chế tín dụng hiện nay là rất cần thiết. Theo cơ chế tín dụng hiện hành, DN vay vốn NH phải có vốn tự có tham gia. Hiện nay các NHTM quy định từ 15-20% tùy tính chất từng dự án, tỷ lệ này trước đây là 30% vốn tự có. Thế nhưng, việc xác định đúng tỷ lệ này của các NHTM trên thực tế rất hạn chế.
Để nâng cao khả năng xác định đúng tỷ lệ này, bên cạnh việc các NHTM nâng cao năng lực thẩm định tài chính doanh nghiêp, dự án thì trong cơ chế tín dụng cũng cần có quy định và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với DN trong việc tuân thủ tỷ lệ này. Thực hiện đúng tỷ lệ tham gia vốn tự có của DN sẽ là một kênh kiểm soát gián tiếp tốc độ tăng trưởng tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các NHTM.