“Tiền kỹ thuật số - Xu hướng phát triển và phản ứng chính sách”
Internet làm thay đổi ngành tài chính-ngân hàng | |
Giải pháp công nghệ cho ngành Tài chính – Ngân hàng | |
Thanh toán di động: Ngôi sao mới của ngành tài chính |
Tham dự Toạ đàm có bà Nguyễn Thị Hoà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng; bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng; đại diện Vụ II - Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng. Dự toạ đàm còn có đồng chí Ngô Đức Bình, Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh nhiên NHTW cùng đại diện Ban Chấp hành Chi đoàn các Vụ, Cục, đơn vị sự nghiệp của NHNN, một số NHTM...
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, bà Lê Phương Lan cho biết: Xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số là một trong những xu hướng nằm trong tác động của Cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Theo bà Lan, thanh niên là những người năng động và dễ bắt nhịp với những điều mới mẻ, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan tới công nghệ mới. Đối với thanh niên ngành Ngân hàng, những tiếp cận và hiểu biết công nghệ mới sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác chuyên môn, qua đó thúc đẩy sáng tạo, nâng cao hiệu quả công việc.
Trong bài trình bày của mình về “Tiền điện tử và xu hướng mới trên thế giới”, ông Lê Quang Trung, Đoàn viên Chi đoàn Viện Chiến lược Ngân hàng đã nêu lên việc phân loại tiền điện tử gồm: tiền điện tử offline (thẻ trả trước, thẻ thông minh); tiền điện tử online (ví điện tử); tiền mặt điện tử (hệ thống cho phép một người có thể chi trả cho hàng hoá dịch vụ bằng việc chuyển một dãy số từ máy tính này sang máy tính khác).
Phát triển tiền điện tử trong tương lai là xu thế tất yếu. Song tiền điện tử không thay thế tiền pháp định hoặc các tài sản tương đương tiền mà sẽ phát triển song song cùng nhau. Giá trị lưu trữ của tiền điện tử phụ thuộc vào lượng tiền pháp định hoặc tài sản tương đương mà nó đại diện. Và nếu không kiểm soát tiền mặt điện tử có thể biến tướng giống như một loại chứng khoán.
Theo đó, việc đưa ra khái niệm chính xác sẽ làm cơ sở xây dựng khung pháp lý phát triển tiền điện tử. Bên cạnh đó cũng nên xem xét khuyến khích phát triển tiền điện tử đi cùng với các dịch vụ ngân hàng điện tử khác để tránh việc cạnh tranh gây lãng phí nguồn lực. Hay việc chỉ cấp phép phát hành tiền điện tử cho các tổ chức phát hành tiền điện tử. Cũng cần có thêm các công cụ chính sách tiền tệ mới để kiểm soát tiền điện tử khi tổng phương tiện thanh toán tăng lên và tránh làm giảm khả năng kiểm soát cung tiền của NHTW.
Đồng tình với quan điểm của ông Lê Quang Trung, ông Ngô Văn Đức (Vụ Thanh toán - NHNN) chia sẻ thêm: Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giám sát là điều vô cùng quan trọng, thông qua các Nghị định của Chính phủ về tiền ảo, tiền điện tử. Về phía cơ quan quản lý, cụ thể là NHNN, hiện đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech của NHNN. Qua đó hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, đồng thời có những chiến lược thúc đẩy sự phát triển an toàn, hiệu quả đối với các Fintech Startups.
Toạ đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu xung quanh việc phân biệt giữa tiền số hoá và tiền điện tử; những ứng dụng của tiền số hoá vào thực tế kinh doanh của các ngân hàng, xu hướng về sản phẩm, dịch vụ để tạo ra những sản phẩm ngân hàng dựa trên công nghệ tiền số hoá để cung ứng cho khách hàng hay việc ứng xử của các cơ quan Nhà nước với lĩnh vực mới là tiền kỹ thuật số...