Lợi nhuận nghìn tỷ của doanh nghiệp xuất khẩu
Cơ hội mở rộng thị phần cá tra vào Mỹ | |
Giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp xuất khẩu | |
Tận dụng FTA, xuất khẩu bứt phá |
Điển hình là ở ngành thủy sản, CTCP Vĩnh Hoàn bất ngờ đạt mức lãi ròng trong quý III lên tới 609 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ấn tượng này là nhờ sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8 khi lần lượt đạt 41 và 37 triệu USD. Sức cầu cải thiện đi cùng với tỷ giá diễn biến thuận lợi giúp Vĩnh Hoàn ghi nhận mức giá bán bình quân tăng tới 37% chỉ tính riêng trong quý III vừa qua.
Kết quả hết sức tích cực của quý III đã góp phần giúp Vĩnh Hoàn thu được lợi nhuận lũy kế lên tới 1.030 tỷ đồng, tức vượt kế hoạch năm khá xa, dù mới chỉ tính trong 9 tháng đầu năm. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi đầu tiên mà một DN thủy sản cán cột mới 1.000 tỷ đồng lợi nhuận ròng, mang đến niềm vui không những cho các cổ đông công ty mà còn là sự phấn khởi cho toàn ngành thủy sản Việt Nam. “Sang năm 2019, chúng tôi kỳ vọng mảng xuất khẩu cá tra đông lạnh sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho Vĩnh Hoàn”, Công ty chứng khoán ACBS nhận định.
Giá cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn tăng gần 65% trong nửa năm qua để lên tới gần 100.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu thủy sản đắt giá nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.
Các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ chính sách tỷ giá |
Một trường hợp khác hưởng lợi từ kênh xuất khẩu khả quan là Tập đoàn công nghệ FPT. Nhờ doanh thu tại các thị trường đều có mức tăng trưởng tốt nên mảng xuất khẩu phần mềm của tập đoàn ghi nhận doanh thu 5.903 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tương ứng với mức tăng 35%. Lợi nhuận trước thuế của mảng xuất khẩu phần mềm là 930 tỷ đồng, tăng đến 34% so với cùng kỳ năm trước.
Một ông lớn khác chứng kiến thị trường nước ngoài khởi sắc là Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global). Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu kinh doanh của các thị trường nước ngoài tăng gần 500 tỷ đồng (7%) lên 7.717 tỷ đồng. Thị trường ở cả 3 châu lục của Viettel Global đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng, trong đó khu vực châu Phi và Mỹ Latinh tăng trưởng gần 10%, còn Đông Nam Á, mặc dù các thị trường đã bão hòa nhưng vẫn đạt tăng trưởng 3%.
Có thể thấy, mặc dù thế giới vẫn đang lo lắng về sức cầu suy giảm theo sau các động thái leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng cơ hội cho các DN tăng trưởng ở các thị trường bên ngoài vẫn khá lạc quan. Lý do là trong khi Hiệp định CPTPP dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019 thì mới đây, Hiệp định EVFTA đã nhận được cú hích lớn khi hai bên đã hoàn thành xong công tác đàm phán và chỉ chờ quốc hội hai bên phê chuẩn.
Theo nội dung đàm phán, hai phía sẽ cắt giảm 99% các khoản thuế, trong đó có nhiều mặt hàng quan trọng. Đơn cử như Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với các dòng xe hơi từ châu Âu từ 78% xuống còn 0% trong 10 năm tới. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các mặt hàng rượu nhập khẩu. Ngược lại, EU sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, quần áo, thủy hải sản.
Một số nhà phân tích đánh giá cao triển vọng mà EVFTA mang lại. “Chúng tôi khuyến nghị mua đối với Vĩnh Hoàn do chúng tôi nhận thấy 2019 sẽ là một năm tốt đối với ngành thủy sản. Đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực dự kiến vào đầu năm 2019, sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu vào EU với mức thuế giảm trừ từ 14% xuống 0%. Điều này đặc biệt quan trọng với Vĩnh Hoàn khi EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của công ty khi chiếm đến 11% giá trị xuất khẩu”, ACBS nhận định.