Kinh tế phi chính thức: Cần phân loại để tiếp cận
Nhận dạng kinh tế phi chính thức chưa được quan tâm
Ngày 13/12/2018, tại Hà Nội, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách”.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn đánh giá, thảo luận về tiềm năng và những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế phi chính thức, từ đó đề xuất khuyến nghị nhằm giúp quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ lĩnh vực kinh tế này.
GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, khu vực kinh tế phi chính thức tồn tại và phát triển khá mạnh ở các nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc nghiên cứu để nhận dạng khu vực kinh tế này cũng như ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế, xã hội vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Ở bất kỳ quốc gia nào và trong bất kỳ thời kỳ nào luôn tồn tại hai nền kinh tế, một nền kinh tế chính thức, thống kê được, tổng hợp và kiểm soát được và một nền kinh tế không chính thức, không thống kê được, không tổng hợp và không kiểm soát được, nó như một cái bóng của nền kinh tế chính thức, hoặc ẩn sau nền kinh tế chính thức. Bởi vậy, nó được các nhà kinh tế đặt cho nhiều cái tên, như: khu vực phi chính thức (informal sector); kinh tế bóng (shadow economy); kinh tế ngầm (underground economy); kinh tế chưa được quan sát (non-observed economy).
Có thể hiểu hoạt động kinh tế phi chính thức là các hoạt động kinh tế không có đăng ký về mặt pháp lý, không được tổng hợp trong hệ thống các chỉ tiêu chính thức của nền kinh tế quốc dân, người lao động trong khu vực này không được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ trong hệ thống phúc lợi xã hội, như các chế độ về bảo hiểm, thai sản… Khu vực kinh tế phi chính thức tuy có tạo ra giá trị tăng thêm, nhưng không được tính vào GDP hoặc GNP của quốc gia.
Theo TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), kinh tế ngầm rất khó để quan sát do có đặc điểm thường là các hoạt động vi phạm các quy định về xử phạt hành chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường bị báo cáo, cung cấp không đầy đủ về doanh số, chi phí, lao động, thu nhập để nhằm mục đích trốn thuế, trốn các nghĩa vụ phải nộp đối với các khoản bảo hiểm.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành Luật nói chung và Luật Thống kê của nhiều doanh nghiệp còn kém nên các thông tin điều tra thường được khai qua loa, chiếu lệ nên cũng không phản ánh hết được thực trạng thực tế của doanh nghiệp. Để thực hiện hành vi này, doanh nghiệp thường duy trì hai loại sổ sách, thanh toán bằng tiền mặt và không xuất hóa đơn với giá trị doanh thu bị che giấu.
Kinh tế phi chính thức ngày càng có xu hướng “phình to”
Dù không có số liệu thống kê cho toàn quốc song có thể thấy rằng, hoạt động kinh tế ngầm mà biểu hiện rõ nét nhất là hiện tượng trốn thuế khá phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Theo Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, mỗi năm đối chiếu thuế Kiểm toán nhà nước kiến nghị thu về khoảng 10.000 tỷ đồng cho ngân sách. Kiểm tra thuế trong 100 doanh nghiệp thì 98 đơn vị có thất thu, trốn thuế, nhưng khi làm việc kiểm toán nhà nước không thể tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp mà phải thông qua cơ quan thuế. Trong khi đó, cơ quan thuế thì miễn cưỡng không muốn cho kiểm toán vào vì e ngại bị khui ra những sai phạm.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI cũng trốn thuế bằng phương pháp chuyển giá. Thống kê của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mỗi năm có khoảng 40 - 50% doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam kê khai lỗ. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí mở rộng quy mô.
Nhìn chung khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng có xu hướng “phình to”, bởi theo Thống kê của Vụ Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê về quy mô lao động khu vực kinh tế này đang tiếp tục tăng mạnh. Tổng số lao động phi chính thức năm 2016 là 18,01 triệu người, tăng 2,8% so với năm 2015.
Theo đánh giá của Wilipedia (tiếng Việt), với nền kinh tế ngầm chiếm khoảng 15,6% GDP, Việt Nam được xếp hạng với các nước tiến bộ nhất trong khu vực châu Á như Trung Quốc và Singapore (13,1% GDP), Nhật Bản (11,3% GDP). Điều này cho thấy, khu vực này là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế nước ta, do vậy, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời, đúng mức để khu vực này phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này.
Theo ông Vũ Đình Ánh, khu vực kinh tế phi chính thức tác động mạnh tới phân bổ sai lệch các nguồn lực, mô tả sai lệch nền kinh tế, làm méo mó thị trường lao động và phải phân tích giữa khu vực kinh tế chính thức và khu vực kinh tế phi chính thức.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng: “Kinh tế phi chính thức đa dạng, phong phú và rất phức tạp. Cái then chốt là chúng ta phải phân loại và lựa chọn để tiếp cận. Vấn đề phải xem khu vực nào có thể chính thức hóa và chuyển từ bộ phận phi chính thức sang chính thức hóa, chứ không phải là đi tìm các hoạt động phi chính thức và quản lý nó”.
Kinh tế phi chính thức đa dạng, phong phú và rất phức tạp. “Cái then chốt là chúng ta phải phân loại và lựa chọn để tiếp cận. Vấn đề phải xem khu vực nào có thể chính thức hóa và chuyển từ bộ phận phi chính thức sang chính thức hóa, chứ không phải là đi tìm các hoạt động phi chính thức và quản lý nó. Bởi nó đã là phi chính thức thì không thể quản lý được”, TS Vũ Đình Ánh cho hay.
Khu vực phi chính thức rất quan trọng đặc biệt là đối với người Việt Nam. Vai trò của nó đối với nền kinh tế không thể phủ nhận. "Khu vực kinh tế chính thức nó chính là bánh xe trong 1 cỗ máy, thì phi chính thức là môi trường mà nhúng bánh xe vào để cho họat động trơn tru và bù đắp khoảng trống mà khu vực chính thức không vươn tới", ông Vũ Đình Ánh ví von và cho rằng, nếu chúng ta ứng xử với khu vực kinh tế phi chính thức như vậy thì mới có thể tìm ra giải pháp chính xác để có thể tiếp cận và đưa nó vào chính thức.