Kinh tế tập thể bén rễ
Ảnh minh họa |
Cùng với sự phát triển mạnh của các mô hình liên kết “làm ăn lớn” ở khu vực kinh tế nông nghiệp, trong năm 2014 vừa qua, hàng trăm hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt nhịp được với làn sóng chuyển đổi phương thức sản xuất để gia tăng lợi nhuận.
Thống kê sơ bộ của Hội làm vườn Việt Nam, trong tổng số hơn 100 HTX đã đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, có 22 HTX đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm trong năm 2014. Tại Tiền Giang, trong tổng số 45 HTX nông nghiệp hiện hữu đã có 12 HTX làm ăn hiệu quả, xã viên có lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với làm ăn riêng lẻ. Tại Cần Thơ đã có 132 HTX được xếp vào các mô hình kinh tế tập thể khá, giỏi. Trong khi đó, tại Đồng Tháp đã có hàng chục HTX tự mình đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh như một công ty cổ phần nhằm liên kết với các DN chế biến xuất khẩu một cách bình đẳng và chuyên nghiệp…
Những sự thay đổi của hệ thống các HTX nông nghiệp trong thời gian qua chứng tỏ những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể tại khu vực nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu bén rễ tại nhiều địa phương. Hàng trăm HTX chủ động liên kết với các DN chế biến xuất khẩu để tham gia vào các mô hình sản xuất lớn cho thấy, các đơn vị kinh tế tập thể đã bắt đầu có sự vực dậy đáng kể sau nhiều năm “loay hoay” với khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm.
Thực tế này đang đặt ra một bối cảnh mới trong hoạt động của các NH đối với các trường hợp vay vốn sản xuất kinh doanh. Bởi trong nhiều năm nay, hầu hết các NH đều cho rằng các khách hàng HTX, tổ hợp tác không có tài sản thế chấp và không có phương án kinh doanh tốt nên không thể cho vay vốn. Tuy nhiên, lý do này đã không còn đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, trên tổng số hơn 18.300 HTX và 127.400 tổ hợp tác hoạt động ở tất cả các lĩnh vực đã có ít nhất 7-8 ngàn đơn vị làm ăn hiệu quả, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
Tại nhiều địa phương, do có sự bảo trợ về tài chính từ nguồn ngân sách cũng như các nguồn khác là DN liên kết và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, một số HTX đã xây dựng cơ sở vật chất có giá trị hàng chục tỷ đồng, với các dây chuyền sản xuất, sơ chế hiện đại. Một số HTX tại khu vực Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, sau khi ký hợp đồng hợp tác với các DN chế biến xuất khẩu, đã chủ động huy động thêm vốn từ xã viên để đổi mới công nghệ sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất và gia tăng lợi nhuận.
Thực tế này cho thấy, khi những khó khăn lớn nhất về đầu ra cho sản phẩm được giải quyết, người nông dân ở các địa phương đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư vốn vào các mô hình kinh tế tập thể. Điều đó tạo tiền đề để kỳ vọng rằng trong năm 2015 và các năm tới tỷ lệ các HTX, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận cao sẽ ngày càng lớn.
Những chuyển biến này nhìn từ góc độ NH đang tạo ra một phân khúc thị phần mới để tăng trưởng tín dụng vào khu vực kinh tế tập thể. Bởi mới đây, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, NHNN đã nâng gấp đôi mức cho vay tín chấp đối với các trang trại, HTX và tổ hợp tác từ 500 triệu đồng/năm lên 1 tỷ đồng, thậm chí 2 tỷ đồng/năm đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ.
Trong khi đó, một số địa phương đã chấn chỉnh hệ thống HTX bằng cách chuyển đổi hoạt động từ mô hình HTX truyền thống sang HTX cổ phần của những xã viên. Theo đó, các HTX sau khi chuyển đổi sẽ được bố trí viên chức ở các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp về làm giám đốc điều hành; đồng thời được Quỹ Đầu tư và Phát triển của địa phương hỗ trợ cho vay vốn mua máy móc, phương tiện để làm dịch vụ và các giao dịch giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm.
Chính vì vậy, trong thời điểm này, cơ hội để các NH mở rộng cho vay nhiều hơn vào khu vực các mô hình kinh tế tập thể đang khá rộng mở. Nếu NH nào nhanh chóng bắt nhịp được sự thay đổi của khối khách hàng này, kịp thời đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tín dụng phù hợp sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh vào một bộ phận kinh tế mà nhiều năm nay còn bỏ ngỏ.