Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại
Tiếp tục giảm tốc
“Trên toàn quốc, doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất, khối lượng bán hàng và tăng trưởng công việc đều chậm lại so với quý trước, cũng giống như các đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu”, Báo cáo cho biết, trích dẫn khảo sát của China Beige Book với hơn 3.300 DN Trung Quốc.
Đáng quan ngại hơn là mức nợ vẫn gia tăng với việc phát hành trái phiếu tăng lên mức cao nhất trong lịch sử khảo sát. Đặc biệt, tỷ lệ tín dụng ngân hàng ngầm trên dư nợ vay trên tổng thể cao thứ hai trong lịch sử. Tín dụng ngân hàng ngầm đề cập đến các hoạt động cho vay không được kiểm soát và thường có rủi ro cao hơn. “Phát hành trái phiếu của các công ty đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm, nhưng lớn nhất vẫn là hoạt động vay nợ ngắn hạn của công ty bao gồm tài trợ hóa đơn”, Larry Hu – Chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Macquarie cho biết trong một email.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang chất thêm khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc |
Với tất cả những điều đó, theo Shehzad Qazi - Giám đốc điều hành của China Beige Book International, tăng trưởng kinh tế của quý này thậm chí còn thấp hơn so với quý 4/2018. Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 6,4% trong quý 4/2018, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm xuống mức 6,6%, chậm nhất kể từ năm 1990.
Bước vào năm 2019, kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,4% trong quý đầu tiên, tuy nhiên đã giảm xuống còn 6,2% trong quý thứ hai. Trung Quốc dự kiến sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP quý 3 vào giữa tháng 10.
Yuxian Zhang - Tổng giám đốc của bộ phận dự báo kinh tế thuộc Trung tâm Thông tin Nhà nước cũng cho biết, quý 3 sẽ đánh dấu một điểm thấp đối với kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Lý do của ông là các chính sách của chính phủ không thực sự có hiệu quả như mong muốn trong nửa đầu năm nay, trong khi cần phải có thời gian thì các biện pháp hỗ trợ như cắt giảm thuế mới phát huy tác dụng, theo bản dịch của CNBC về phát biểu bằng tiếng địa phương của Zhang tại một sự kiện báo chí tuần trước. Theo đó, Zhang dự kiến tổng sản phẩm trong nước sẽ tăng 6,1% trong quý 3 và 6,2% trong quý 4.
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế châu Á (ADO) năm 2019 cũng vừa được công bố hôm 25/9, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 6,2% trong năm nay và 6% trong năm tới, đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4.
Áp lực chính sách
Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc đã hoàn thành hơn một nửa mục tiêu cắt giảm thuế và phí trị giá khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (280,93 tỷ USD) trong năm nay, Liu Shangxi - Chủ tịch Viện Khoa học tài chính Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính cho biết. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, việc cắt giảm thuế không ngăn được nền kinh tế chậm lại trong quý 2 trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Trong bài phát biểu đầu tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là từ 6% đến 6,5% trong năm nay; song ông cũng lưu ý rằng, sẽ không dễ dàng cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn 6% trong năm nay.
Tăng trưởng chậm lại trong khi nợ vẫn tiếp tục gia tăng đang đặt các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào một tình thế khó khăn: Làm thế nào để cân bằng việc hỗ trợ nền kinh tế với giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng vào nợ.
Không phủ nhận căng thẳng thương mại với Mỹ, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc lại đến từ trong nước, chẳng hạn như nỗ lực giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng vào vay nợ của chính quyền Trung Quốc được triển khai từ cách đây hai năm.
Tuy nhiên sự giảm tốc khá nhanh của nền kinh tế đã khiến Trung Quốc thay đổi phần nào quan điểm này. Theo đó, hơn một năm trở lại đây, các nhà hoạch định chính sách đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với các DN tư nhân. Số liệu chính thức cho thấy tốc độ cho vay đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ đã tăng nhanh hơn. Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba (24/9) rằng, tính đến cuối tháng 8, dư nợ cho vay đối với các DN nhỏ ở mức 11 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng 23% so với một năm trước đó, cao hơn 8 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng dư nợ đối với khu vực này vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, Thống đốc Yi Gang tuyên bố, các nhà hoạch định chính sách sẽ không triển khai các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh kiểu “bão lũ”. “Đồng thời, chúng ta cần phải quan tâm tới dài hạn”, ông nói và nhấn thêm rằng việc điều chỉnh cơ cấu là cần thiết. Ông cũng nói rằng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các tác động của chính sách tiền tệ được truyền tải tới nền kinh tế. Các chính sách khác mà ông chỉ ra để hỗ trợ tăng trưởng bao gồm giảm chi phí tài chính DN, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng với chất lượng cao hơn.