Trung Quốc không dám nới lỏng mạnh tiền tệ
Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất xuống 4,2%/năm | |
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dịu lại | |
Gia tăng số công ty Mỹ hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc |
Rủi ro tài chính tổng thể đã giảm, rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng ngầm và một số tổ chức quan trọng đã được giải quyết, Thống đốc Yi Gang phát biểu tại cuộc họp giao ban với Bộ trưởng Tài chính Liu Kun và Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Ning Jizhe diễn ra tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (24/9).
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục giảm tốc khá nhanh. Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc chỉ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2002, đặc biệt xuất khẩu bất ngờ bị thu hẹp và chỉ số giá sản xuất tiếp tục giảm. Tất cả những điều đó đang tạo thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách, buộc họ phải có những biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với cuộc chiến thuế quan của Mỹ và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Thế nhưng ngay cả khi kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong gần 30 năm, các nhà hoạch định chính sách của nước này vẫn không dám nới lỏng mạnh tiền tệ do lo ngại những rủi ro đối với hệ thống tài chính trong nước. Điều đó hoàn toàn trái ngược với các ngân hàng trung ương lớn khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu vốn đang mạnh tay cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
“Các quan chức Trung Quốc vẫn quyết tâm tránh việc nới lỏng tiền tệ một cách nhanh chóng và mạnh mẽ”, Frederic Neumann - đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC Holdings Plc tại Hồng Kông cho biết. “Lãi suất có thể vẫn cần phải giảm xuống trong những tháng tới để hãm lại đà giảm tốc của tăng trưởng. Tuy nhiên, bất cứ ai mong đợi một sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đều có thể bị thất vọng”.
Trong khi đó, PBoC tuyên bố trước khi diễn ra cuộc họp nói trên rằng, lãi suất là phù hợp và ngân hàng trung ương có nhiều công cụ chính sách tiền tệ. Tuyên bố trên một lần nữa lặp lại lập trường chính sách thận trọng của PBoC. Yi Gang cũng cho rằng, lạm phát của Trung Quốc vẫn tương đối vừa phải và PBoC sẽ vẫn kiên nhẫn. “Chúng tôi không vội vàng tung ra các đợt cắt giảm mạnh lãi suất hay QE (nới lỏng định lượng) như một số ngân hàng trung ương khác”, ông nói.
Trên thực tế, PBoC cũng đã điều chỉnh các chính sách trong những tháng gần đây để hỗ trợ cho nền kinh tế, như tiếp tục cắt giảm tiếp tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007; thế nhưng cơ quan này vẫn không dám triển khai các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn như cắt giảm lãi suất, vì lo ngại về sự ổn định tài chính và khối nợ khổng lồ trong nền kinh tế.
Thế nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc mạnh, hiện các nhà phân tích đang kêu gọi PBoC cần có tín hiệu nới lỏng mạnh mẽ hơn, nhất là sau khi một thước đo về chi phí vay mượn mới chỉ giảm nhẹ vào thứ Sáu tuần trước. Cụ thể, lãi suất tham chiếu cho các khoản vay ngân hàng kỳ hạn một năm được ấn định ở mức 4,2% trong tháng 9 (thiết lập vào ngày 20/9), thấp hơn một chút so với mức 4,25% trong tháng 8.
“Bắc Kinh dường như đang rất lo ngại rằng một đợt nới lỏng tín dụng quy mô lớn khác có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống”, Lu Ting - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura International Ltd. ở Hồng Kông cho biết. “Một kế hoạch tổng thể mới ngày càng rõ ràng hơn rằng sẽ không có các cơn lũ tín dụng, mà chỉ nới lỏng tín dụng có mục tiêu và cắt giảm lãi suất trừ lĩnh vực bất động sản”.
Không dám mạnh tay nới lỏng tiền tệ, việc hỗ trợ nền kinh tế đang dựa nhiều vào chính sách tài khóa. Bộ trưởng Tài chính Liu Kun cho biết, việc cắt giảm thuế thực tế của Trung Quốc sẽ lớn hơn dự kiến trong năm nay, trong đó các ngành sản xuất và khu vực tư nhân là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ việc cắt giảm này. Còn nhớ hồi tháng 3 Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố cắt giảm thuế 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (281 tỷ USD) trong năm nay như là một phần của kế hoạch kích thích tài khóa lớn nhất từ trước đến nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Liên quan đến việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số, Thống đốc Yi Gang cũng nhắc lại rằng Trung Quốc không có thời gian cụ thể cho việc ra mắt đồng tiền kỹ thuật số này. Nếu đồng tiền kỹ thuật số được sử dụng xuyên biên giới, sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết như phòng chống rửa tiền và các vấn đề pháp lý khác, ông nói.