Kỳ vọng sự bứt phá ngoạn mục
Kỳ vọng mô hình đặc khu kinh tế | |
Cần xem lại vai trò đặc khu kinh tế | |
TP.HCM sẽ thành lập Đặc khu kinh tế |
Trải qua nhiều lần bàn thảo, cuối cùng, tại Kỳ họp thứ 3 vừa diễn ra, Quốc hội đã đồng ý thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh với việc cho ra mắt dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào Kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017. Vì tính cấp bách của dự luật này, theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2018 với kỳ vọng sẽ có một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải, việc xây dựng và ban hành luật này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia về xây dựng và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Đảng và Quốc hội thông qua. Đồng thời cũng qua đó góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và bổ sung quy định còn thiếu.
Ảnh minh họa |
Thực tế, qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta, mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả đất nước. Tuy nhiên, mô hình này hiện không còn mới, kém linh hoạt. Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; bộ máy quản lý với thẩm quyền chưa thống nhất và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn... Nhiều quốc gia cũng đã phát triển thành công nhiều mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.
Song điều quan trọng là các mô hình này tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phương thức phát triển các mô hình này cũng có sự thay đổi bằng cách đàm phán, thỏa thuận và giao cho nhà đầu tư chiến lược có năng lực để xây dựng cơ chế, chính sách, mục tiêu và định hướng phát triển đặc thù, có tính cạnh tranh quốc tế thay cho phương thức Nhà nước tự chủ động xây dựng. Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Việt Nam với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ban đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc xây dựng luật có thể theo hai phương án, hoặc một luật áp dụng chung, hoặc có các luật riêng áp dụng riêng cho từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ chỉ xây dựng một luật đơn vị - hành chính đặc biệt để áp dụng chung. Trong đó, ngoài các cơ chế, chính sách áp dụng chung cho cả ba đặc khu, sẽ có các cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho mỗi đặc khu.
Vì thế, xây dựng dự thảo luật phụ thuộc khá lớn vào việc các địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang trong việc hoàn thành đề án xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như thế nào. Bởi mỗi đặc khu sẽ có định hướng ưu tiên riêng, ví như với Vân Đồn, dự kiến là phát triển du lịch cao cấp. Dựa vào các định hướng ưu tiên này, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ xây dựng thể chế, chính sách riêng cho từng đặc khu.
Dù dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng tại những nơi như Vân Đồn, Quảng Ninh, mô hình đơn vị hành chính đặc biệt đã khá rõ nét và hứa hẹn sự phát triển vượt trội. Rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được Quảng Ninh đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới trên 40.000 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm dần được định hình. Sân bay ở Vân Đồn đang được đề xuất nâng cấp lên sân bay quốc tế, để Vân Đồn có thể dễ dàng tiếp cận một loạt trung tâm kinh tế lớn của châu Á.