Cần xem lại vai trò đặc khu kinh tế
TP.HCM sẽ thành lập Đặc khu kinh tế |
Ông lý giải, sở dĩ nhiều chính quyền ví cơ chế phát triển dành cho địa phương mình như “chiếc áo đã quá chật” là do chưa vận dụng được liên kết vùng để cùng phát triển. Quan điểm của ông Kiên là cần tận dụng lợi thế so sánh về kinh tế - xã hội của từng địa phương, liên kết địa phương lại và biến thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả kinh tế vùng cần thực hiện phân cấp đầu tư và quản lý giữa Chính phủ và các địa phương một cách rạch ròi hơn
Nhiều ý kiến cho rằng mô hình đặc khu kinh tế là cần thiết để tạo ra các mũi nhọn, các “cực tăng trưởng” đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhằm khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” của địa phương… Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Tôi cho rằng chúng ta đã nhầm lẫn giữa tư duy phát triển kinh tế với tư duy quản lý hành chính, cho nên tỉnh nào cũng chỉ phát triển để phục vụ cho địa phương mình mà không tạo ra sự liên kết trong chuỗi.
Một ví dụ điển hình là quá trình đô thị hoá dồn lại như TP.Hồ Chí Minh, hiện nay đã trở thành “mega city”- một thành phố rất lớn với trên 10 triệu dân. Như vậy sẽ dồn lại rất nhiều bất ổn về sau. Liệu với trình độ quản lý như thế, với năng lực của cơ sở hạ tầng và của đội ngũ cán bộ như thế, thành phố có đáp ứng được yêu cầu hàng ngày tối thiểu của 10 triệu dân không?
Cũng vì vậy nên nhiều ý kiến cho rằng, chiếc áo cơ chế khoác lên TP. Hồ Chí Minh hiện nay đã chật và đòi hỏi cần được nới rộng hơn. Thay vì như thế, tại sao chúng ta không điều chỉnh quy mô, dừng lại ở 6 triệu dân thôi và toàn bộ các dịch vụ khác chuyển sang khu vực lân cận? Còn TP. Hồ Chí Minh tập trung làm những dịch vụ giá trị cao như là khoa học công nghệ, tài chính – ngân hàng…
Thực tế những năm qua, việc giao quyền cho các địa phương, để cho địa phương được chủ động đầu tư, thì khi chính quyền nào năng động đều có hiệu quả rất rõ. Nếu sắp tới không có thêm cơ chế khuyến khích thì liệu có kéo lùi các đầu tàu không, thưa ông?
Việc xin cơ chế phát triển đặc thù không phải là con đường duy nhất đúng. Thử tưởng tượng 63 tỉnh cứ thi nhau xin cơ chế đặc thù, như Hà Giang xin cơ chế hỗ trợ đặc thù dành cho tỉnh nghèo, địa hình núi đá, giáp biên giới, đồng bào người Mông, rồi Sóc Trăng cũng xin cơ chế đặc thù cho tỉnh đồng bào Khơ-me, giáp biển, chịu xâm nhập mặn... Do đó cần xem xét lại những mô hình đặc thù như đặc khu kinh tế. Đến thời điểm hiện nay theo tôi nó đã hết vai trò lịch sử.
Chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã cam kết đối xử bình đẳng không phân biệt giữa các DN nước ngoài với DN trong nước, vì thế cho nên những cơ chế ưu đãi về chính sách thuế, về tiền đất đai, về lao động… phải bình đẳng như nhau.
Nền kinh tế phải là một thể thống nhất, luật chung áp dụng cho tất cả các vùng miền. Chúng ta giao quyền tự chủ để họ quy định theo hướng đó, chứ không phải để cho tỉnh thành nào đòi đi theo chiều bên trái trong khi luật chung quy định đi bên phải.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả kinh tế vùng cần thực hiện phân cấp đầu tư và quản lý giữa Chính phủ và các địa phương một cách rạch ròi hơn |
Theo ông, việc vai trò của Chính phủ và chính quyền địa phương chưa được rạch ròi có phải là nguyên nhân khiến phát triển kinh tế vùng vẫn còn nhiều tồn tại, sự liên kết nội vùng vẫn hết sức lỏng lẻo?
Đúng là chúng ta cần xem xét lại, có nên đánh giá hiệu quả bộ máy lãnh đạo của tỉnh thông qua các chỉ số phân cấp tổng hợp, tỉnh nào cũng được yêu cầu phải đạt tốc độ tăng trưởng, giải quyết bao nhiêu việc làm...
Thay vào đó, phải làm sao chính quyền Trung ương lo phát triển kinh tế, chính quyền địa phương lo cho an sinh xã hội, thì người dân mới đánh giá được hiệu quả thực sự. Vấn đề là phải xác định lại vai trò nhạc trưởng của Chính phủ.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 là làm tốt công tác quy hoạch, để sau đó, việc thực hiện quy hoạch là của các thành phần kinh tế.
Như vậy trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ phải tổ chức thực hiện tốt Luật Đầu tư công, làm sao để với những dự án đầu tư có tính chất liên vùng phải do Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm, chứ không phải để cho một bộ, hoặc một ngành làm, để rồi dẫn đến tình trạng tỉnh nào trong 28 tỉnh ven biển cũng có cảng nước sâu, cảng biển, rồi tỉnh nào cũng xây dựng sân bay, gây ra lãng phí tài nguyên đất nước trong lúc nguồn lực đang hạn hẹp.
Vậy chúng ta cần làm gì để khắc phục được những yếu kém hiện nay, đưa kinh tế vùng thực sự phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới?
Để tổ chức thực hiện hiệu quả kinh tế vùng thì chúng ta phải thực hiện phân cấp đầu tư và quản lý đầu tư giữa Chính phủ và các địa phương một cách rạch ròi hơn. Những dự án công trình nào có tính phục vụ cho 2 hay nhiều tỉnh thì đó là việc Chính phủ phải làm và phải nằm trong quy hoạch. Còn UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có mời chào nhà đầu tư cũng phải tuân theo quy hoạch.
Người lãnh đạo địa phương phải nhìn nhận rõ ràng hơn ai hết về đặc thù của địa phương mình để xây dựng, phát triển nền kinh tế cho phù hợp với các lợi thế của họ. Và Chính phủ có trách nhiệm phân bổ nguồn lực để làm sao nguồn lực ít nhất mà hiệu quả lớn nhất trên từng vùng.
Xin cảm ơn ông!