Kỳ vọng mô hình đặc khu kinh tế
Cần xem lại vai trò đặc khu kinh tế | |
TP.HCM sẽ thành lập Đặc khu kinh tế | |
Nhanh chân kẻo lỡ! |
Bản dự thảo đầu tiên của Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình lên Chính phủ. Như vậy là sau hơn 2 năm tạm hoãn, khung pháp lý cho mô hình đặc khu kinh tế đang dần được thành hình, dự kiến sẽ tạo bước đột phá về thể chế, chính sách được mong đợi lâu nay.
Không thể chậm trễ hơn
Trên thực tế, việc tìm kiếm một mô hình phát triển mới đã được đề cập từ lâu, đặc biệt trong giai đoạn 2012 - 2014, sau khi chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) được thông qua.
Tuy nhiên, các bước đi sau đó vẫn rất chậm chạp do vướng ở vấn đề thể chế, chính sách cho các đặc khu này như thế nào. Bởi thực tế, điểm nghẽn lớn nhất là những đề xuất trong các đề án thành lập đặc khu kinh tế đưa ra cơ chế được đánh giá là “quá đặc biệt” so với quy định hiện hành tại luật, pháp lệnh của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên cần phải được xem xét, cân nhắc.
Các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế… đã kém linh hoạt và ít hiệu quả |
Tới thời điểm hiện nay, mặc dù vẫn còn nhiều lấn cấn song chúng ta cũng không còn nhiều thời gian để lưỡng lự quá lâu trước mô hình đặc khu kinh tế. Bởi theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, qua hơn 25 năm phát triển, các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế… ở nước ta đã không còn mới và kém linh hoạt. Kéo theo đó là cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; bộ máy quản lý với thẩm quyền chưa thống nhất và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng; cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong lúc này, nhiều quốc gia đã phát triển thành công các mô hình như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do, thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.
Trước bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước lại càng bị hụt hơi và phát triển chậm lại. Môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.
Thay đổi tư duy để có thể chế vượt trội
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa đã nhận định mô hình đặc khu là cơ hội lớn nhất để Việt Nam đổi mới và cải cách thể chế. Song với tư duy hiện nay thì rất khó để xây dựng mô hình đặc khu, mà vướng mắc trước tiên là chưa có luật riêng về đặc khu kinh tế nên chưa có cơ sở pháp lý cao nhất đảm bảo cho lợi ích của NĐT, như vậy không thể thu hút NĐT tham gia.
Trước những thiếu hụt về thể chế, chính sách này, trong bản báo cáo đánh giá tác động của Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, Bộ KH&ĐT đã có những đề xuất đầu tiên liên quan tới các thể chế vượt trội. Cụ thể, sẽ có hai nhóm chính sách dự kiến được thực hiện, bao gồm chính sách về kinh tế - xã hội, ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với các quy định của các luật hiện hành và các dự kiến cam kết quốc tế sắp tới của Việt Nam; và nhóm chính sách về xây dựng mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả.
Đáng chú ý là với nhóm chính sách kinh tế - xã hội, rất nhiều ưu đãi bậc cao đã được đề xuất. Đơn cử như trong nhóm chính sách ưu đãi thuế, tùy từng mặt hàng cho phép linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Với thuế thu nhập cá nhân, cho phép miễn và giảm thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian nhất định.
Với thuế thu nhập DN, các dự án đầu tư vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất ưu đãi bằng mức thuế suất ưu đãi cao nhất, thời gian miễn thuế và giảm thuế cao hơn so với quy định hiện hành. Với nhóm ưu đãi về tài chính-ngân sách, cho phép để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thời gian cần thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương về trung ương để tạo nguồn vốn đầu tư.
Bộ KH&ĐT cũng đề xuất một số chính sách khác được đánh giá là vượt trội và chưa từng có. Điển hình là cho phép áp dụng chính sách thiết lập thể chế tiền tệ, NH riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế; tự do hóa luồng vốn; bên cạnh VND là đồng tiền lưu hành chủ yếu, được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi; thành lập trung tâm tài chính riêng dưới sự giám sát của NHNN... Đây sẽ là những tiền đề cần thiết để thành lập đặc khu hoạt động trong lĩnh vực trung tâm tài chính, hay kinh doanh casino...
Dù đưa ra đề xuất như vậy, song các chuyên gia của Bộ KH&ĐT cũng khá cẩn trọng khi đưa ra 2 phương án thực hiện. Một là, áp dụng các thể chế, chính sách vượt trội nói trên; và hai là chỉ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành. Kèm theo 2 phương án này là 2 kịch bản phát triển rõ ràng. Theo đó, nếu theo phương án thứ 2, thì các tác động kinh tế - xã hội không nhiều. Trong khi đó, nếu áp dụng phương án 1, sẽ là một bước đột phá cho các đặc khu kinh tế, bao gồm cả trong phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách, thu hút đầu tư…
Đứng trước các kịch bản thể chế, chính sách cho mô hình đặc khu kinh tế, các chuyên gia nhấn mạnh rằng những quy định này là mới và chưa từng có đối với Việt Nam, song trên thế giới là hết sức bình thường và phổ biến. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trấn an: “Thế giới cơ bản đã dựng ra khung thể chế khá cao cho mô hình đặc khu rồi, Việt Nam ta chỉ việc khuân về thôi nên không có gì khó cả”.