Kỳ vọng vào sản phẩm CNTT
Hỗ trợ cho DN
Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng từng nhiều lần xác định một trọng tâm trong phát triển của thành phố là đẩy mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Và thực tế, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 400 DN CNTT trong và ngoài nước đăng ký hoạt động…
DN cần đầu tư thêm lĩnh vực gia công, công nghiệp CNTT |
Để phát triển ngành CNTT, đặc biệt lĩnh vực chế tạo phần mềm, trong những năm gần đây Đà Nẵng đã tập trung hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực này. UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành văn bản quy định chính sách hỗ trợ DN CNTT trên địa bàn.
Theo đó, DN phần mềm được hưởng các chính sách ưu đãi của thành phố phải sử dụng trên 20 lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động xuất khẩu phần mềm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt trên 200 nghìn USD/ năm. DN xuất khẩu phần mềm khi sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông do thành phố xây dựng được hưởng ưu đãi hàng năm, nhưng tối đa không quá 3 năm.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, để quảng bá thương hiệu sản phẩm CNTT của địa phương, thành phố còn tăng cường chỉ đạo ưu tiên sử dụng các sản phẩm của DN đóng trên địa bàn.
Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu, phát triển sản phẩm CNTT, thu hút chất xám và quảng bá thị trường CNTT Đà Nẵng. Với nhiều nỗ lực, đến nay một số sản phẩm của các DN trên địa đang được thị trường trong và ngoài nước quan tâm.
Thêm cơ hội mới
Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và một loạt các hiệp định thương mại tự do khác đang mang lại nhiều cơ hội cho ngành CNTT Đà Nẵng…
Thực tế, với thị trường 800 triệu dân của 12 nước tham gia TPP, ngành CNTT Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ hội thu hút hợp đồng xuất khẩu từ các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia trong TPP. DN CNTT Đà Nẵng cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội thông qua các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, internet, các hoạt động thương mại điện tử...
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, phần lớn DN CNTT trên địa bàn là nhỏ và siêu nhỏ. Tại một số DN có các sản phẩm CNTT phổ biến như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý bệnh viện, một cửa điện tử… được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá cao, thế nhưng việc thương mại hóa, đưa sản phẩm ra thị trường vẫn còn nhiều trở ngại.
Đặc biệt, TP. Đà Nẵng nhiều năm liền được đánh giá là địa phương dẫn đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, đây là một thuận lợi lớn cho việc ứng dụng CNTT nhưng cũng gây nhiều sức ép lên các DN trong lĩnh vực này, bởi yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm dịch vụ thường rất cao.
Do vậy, để có thể nắm bắt được các cơ hội do TPP mang lại, theo nhiều chuyên gia trong ngành, DN cần xác định sản phẩm mũi nhọn, hướng đến thị trường nào? Đặc biệt, sản phẩm của DN phải theo kịp những tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Lương Hồng Khanh, Giám đốc VNPT Đà Nẵng, để sản phẩm CNTT có chỗ đứng vững chắc trên “sân nhà”, hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm, DN phải áp dụng những công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho người dùng cũng như đáp ứng các quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn quản lý chất lượng được công nhận toàn cầu như CMMi, ISO 27000…
Bên cạnh, nỗ lực của DN chính quyền cũng cần có thêm những chính sách phát triển DN CNTT, tạo ưu đãi về thuế, bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm CNTT đủ sức cạnh tranh trên thị trường...