Làm du lịch theo cách người Mông
Pu Sam Cáp có nghĩa là ba hòn núi lớn. Ba núi lớn nằm trong quần thể 99 ngọn hùng vĩ. Pu Sam Cáp cách thành phố Lai Châu 6km về phía Tây nằm bên đường 4D đi Sìn Hồ.
Văn minh hiện đại đã đến với người Mông sinh sống trên những triền núi quanh năm sương phủ và nắng tinh khôi |
Nếu như đầu tư du lịch Pu Sam Cáp là khai thác cái trời cho một cách mưu lược, tính toán được thua, thì ở Sin Súi Hồ làm du lịch bằng sự tình cờ, hồn nhiên, chất phác của người Mông. Xe chạy từ thành phố Lai Châu lên cao, lên cao nữa theo con đường uốn lượn ngoằn ngoèo khoảng một giờ đồng hồ mới đến bản Sin Súi Hồ (còn gọi là Sin Suối Hồ) ở độ cao 1500m.
Những vườn cam xanh mướt, các ruộng bậc thang quằn quại như các dấu vân tay xếp lớp lớp to nhỏ, và hoa dại nở tưng bừng khiến những người vốn lạnh lùng cũng xốn xang lòng dạ. Chạm vào mắt tôi đến ngỡ ngàng dòng chữ kết bằng dây thừng "Điểm du lịch cộng đồng, bản Sin Súi Hồ" và dòng chữ "Resort Community Ecology" nhỏ hơn hiện ra trên tấm biển treo trên hai cây gộc dân dã dựng ngay ở cổng bản. Vậy là văn minh hiện đại đã đến với người Mông sinh sống trên những triền núi quanh năm sương phủ và nắng tinh khôi.
Theo tiếng người Mông bản địa, Sin Súi Hồ có nghĩa là “Suối Có Vàng”. Thiên nhiên hoang sơ, trong trẻo. Không khí quanh năm mát mẻ, trong lành là nơi cư trú của địa lan, thảo quả và táo mèo. Trong vườn, trước cổng, dọc các lối đi lại, dưới các gốc cây cổ thụ u sần, xù xì vỏ già mốc thếch, bên các tường rào,... ở bản chỗ nào cũng thấy địa lan, bạt ngàn địa lan.
Lan trồng ở các chậu composit lá xanh mướt, mạnh mẽ vươn lên các bông hoa khoe sắc. Bản Sin Súi Hồ có 103 hộ thì cũng từng ấy hộ trồng địa lan bán. Trưởng bản Vàng A Chỉnh trồng 300 chậu địa lan, tôi tưởng đã là nhiều, song nhà Hảng A Xà còn trồng đến hơn 500 chậu. Chậu ít thì 5 cành lan giá 1 triệu đồng, chậu nhiều thì 11 cành giá 5 triệu đồng, nhiều nữa là 21 cành càng to tiền.
Kỷ lục một chậu địa lan hoa màu vàng bán tại Sin Súi Hồ là... 12 triệu đồng. Bạn đọc cứ hình dung gia tài của ông Chỉnh, ông Xà chỉ tính từ địa lan đã biết bao nhiêu rồi. Mỗi khi tết về, du khách từ thành phố Lai Châu đến, thương lái từ Hà Nội lên, từ Sài Gòn bay ra, để rồi các chậu địa lan đủ sắc màu rực rỡ theo ô tô rồng rắn đi các ngả, lên máy bay tỏa khắp miền làm đẹp thêm cho năm mới, ngày xuân.
Người Sin Súi Hồ trồng địa lan bán cũng rất tình cờ hồn nhiên, chả ai tính toán. Chả là Vàng A Chỉnh đi rừng thấy địa lan nở tưng bừng, bèn đào mấy gốc về đặt chậu để ở hiên nhà. Bỗng dưng có mấy ông khách dưới xuôi lên đang đi lùng mua thảo quả ngỏ lời mua. Mua nhưng không bán, mà cho. Nhận của cho rồi, mà mấy vị khách cứ nèo nẵng nếu còn thì bán. Bán thì bán.
Ông Chỉnh vào rừng đào địa lan tiếp. Nói đi hỏi lại chuyện ươm và bán địa lan, rồi dặn dò quay trở lại. Vàng A Chỉnh lặng lẽ xuôi về thành phố Lai Châu mua các gáo múc nước, thùng nhựa, và lấy giống lan rừng về ươm. Cả bản học làm theo, và khách cứ rùng rùng kéo nhau đến mua địa lan. Địa lan trở thành cái đẹp, thành thương phẩm thị trường, thành tiền đầy túi của người Mông suốt ngày chỉ biết đi rừng, làm nương, trống ngô, trồng thảo quả.
Cái “vườn lan khổng lồ” ngự trên độ cao mây bay chạm lá, sương phủ lên cành mở ra một hướng đi mới thay đổi cuộc sống của người Mông Sin Súi Hồ. Ông Chẻo Quẩy Hòa – Chủ tịch xã bảo: Người dân các bản lân cận như Chí Sáng Thầu, Chung Hồ, Sân Bay, Căn Câu... cũng bắt đầu học Sin Súi Hồ trồng lan, làm du lịch.
Tôi mừng, nhưng cũng không khỏi giật mình, bởi người người trồng lan, nhà nhà trồng lan một cách tự phát như thế không khéo chậu lan đắt nhất hơn chục triệu ngự trong nhà tỉnh trưởng ngày tết sẽ rớt giá chỉ còn vài trăm ngàn? Rất có thể lan đài các kiêu sa quý phái trở thành thứ rẻ rúng, tầm thường, bị bỏ rơi ngay chính cái chốn đã từng hào hứng ôm ấp, nâng niu, chăm bẵm.
Người đến mua lan nhiều, nhộn nhịp và hiệu ứng đám đông kéo người khác đến. Tán cây cổ thụ, suối nước trong thành nơi nghỉ mát trong rừng núi Sin Súi Hồ. Ngửa mặt nhìn những cây tầm gửi bám vào thân cây cổ thụ xám mốc. Hớn hở ngắt được chùm hoa dại. Nắm rễ cây lớn đu mình đung đưa trên dòng suối. Ngâm chân dưới nước nghe thác đổ ầm ào... Toàn là du khách trẻ trung tinh nghịch đến Sin Súi Hồ chỉ để đắm mình vào thiên nhiên trong trẻo hoang sơ.
Rồi việc gì đến phải đến như cái duyên của trời đất gắn kết du khách với người Mông ở Suối Có Vàng. Trưởng bản Vàng A Chỉnh bàn với ông Hảng A Xà với ý tưởng cả bản làm du lịch. Hảng A Xà là một thứ “quyền lực” không lời, ông học ở Hà Nội, hiểu biết rộng vượt ra ngoài những cánh rừng Sin Suối Hồ, rất có uy tín với dân bản. Gọi là “một tiếng hô cả bản đồng lòng”, nhưng thực ra cũng phải họp dân, bàn bạc, đồng ý mới làm.
Thế là ngày ngày như đàn kiến cần mẫn lao động, dân bản lựa theo địa hình, địa vật, tạo ra lối đi lên thác nước. Chỗ chui qua khoảng trống mấy cây cổ thụ, chỗ khom người bước qua hàm đá, chỗ xây dựng cầu qua suối, chỗ buộc dây mây vào thân cây làm tay vịn, chỗ làm nhà lá nghỉ giữa chặng đường hoặc chân thác.
Không có dấu vết xi măng, sắt thép, mái tôn, gạch ngói công nghiệp... Tất cả đều là sỏi, đá, cây lá, dây leo ở rừng được làm từ bàn tay người dân bản. Thô sơ. Mộc mạc. Dân dã. Gần gũi và thân thiện. Có nghĩa là du lịch theo kiểu văn hóa công nghiệp không được chạm đến, không nằm vùng ở đây.
Sin Súi Hồ chỉ là một trong nhiều khu vực tiềm năng ấy của Lai Châu. Song người Mông ở Sin Súi Hồ không chỉ sử dụng đất làm nông lâm nghiệp mà còn làm... du lịch văn hóa và sinh thái. Làm tự phát vụng về, chân thật, dân dã theo hướng sinh thái bản nguyên hoang sơ của núi cao rừng già lại thành công.
Con người khi sinh ra chưa có tên thì... đặt tên. Chính con người cũng sinh ra huyền thoại khoác lên nhau, rồi phủ lên núi sông bao nhiêu làn sương mù truy nguyên chả bao giờ thấy được giá trị thật. Nhưng, người Mông ở bản Sin Súi Hồ đặt tên thác Tình Yêu, thác Trái Tim, thác Tổ ong thì giá trị thật đã hiển hiện trước mắt chẳng phải vén mù sương.
“Thác Tình Yêu” chỉ là sự công nhận của cộng đồng, chứ thực ra trai gái bản Sin Súi Hồ đã mặc định cái tên ấy trong lòng thời nào thời nao rồi. Quả thật! Đứng ở cái cầu gồ ghề đầu mấu nhìn lên thác Tình Yêu, có cảm giác như nước trời đang đổ xuống, mặc cho bụi nước rơi xuống mặt lành lạnh, tôi cũng thấy xốn xang. Chả trách gì các chàng trai cô gái trẻ đứng đến khi ướt sũng áo mà chẳng muốn rời đi.
Lên thác Tình Yêu một đường, thì lúc xuống bằng một đường khác. Đường lên men theo suối leo qua cầu, lội giữa dòng. Đường xuống chui qua vòm cây, qua một con thác nữa. Thác mang tên... Trái Tim. Không hề có huyền thoại nào, chỉ bởi nước chảy tự nhiên phân dòng một cách kỳ lạ giống như... hình con cơ trong bộ tú lơ khơ và là biểu tượng trái tim, đó đây ta vẫn thấy trong đám cưới.
Không ai là không chụp ảnh dưới chân thác Trái Tim và thác Tình Yêu. Người già 70 tuổi cũng chụp, chụp để về khoe với bạn, với con cháu, người trẻ tuổi 13, 18, 20 càng chụp nhiều. Trưởng bản Vàng A Chỉnh bảo: 7 ngày dân cả bản xuống suối ôm bê đá sỏi xếp, bắc cầu gỗ, kéo dây mây thành tay vịn... làm một con đường tình yêu đến trái tim độc đáo.
Không màu mè, son phấn, lặng lẽ làm theo cách của người bản địa mộc mạc, dân dã. Làm xong xã mới biết. Không ai bị kiểm điểm kỷ luật, chỉ bị trách sao không báo cáo để xã hỗ trợ.
Điều lạ lùng ở Sin Súi Hồ là có đến 6 hộ người Mông như Vàng A Chỉnh, Hảng Văn Xà, Vàng A Dế... biết làm du lịch home stay. Cổng nhà ông Xà là tấm gỗ mộc gắn chữ Hello Home Stay. Phòng đón khách của các nhà có nệm ga Hàn Quốc, có phòng vệ sinh hiện đại khép kín, máy điều hòa không cần vì khí hậu mát mẻ quanh năm.
Khách du lịch đến ngủ trong nhà dân người Mông giá chỉ 80 ngàn đồng một ngày. Lợn cắp nách thả đồi, gà Mông đen trèo cây, cá suối, măng trúc, lá rau rừng, rượu táo mèo vàng óng... toàn các thực phẩm sạch, ăn bao nhiêu và chọn món nào chủ nhà làm cho món nấy. Người Mông ở đây nấu rượu đãi khách hoặc bán, chứ tuyệt nhiên không có ai uống.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh dẫn tôi đến hòn đá to như cái nhà ở cuối bản. Từ bao giờ, người Mông khắc biên giới gia thổ lên hòn đá. Nhìn là biết cánh rừng này, cái nương kia, thổ đất ấy... của nhà ai. Không bao giờ có chuyện tranh chấp một mét đất. Có lẽ, văn hóa khúc triết, minh bạch và nhân hậu có từ lâu trong máu người Mông ở Sin Súi Hồ.
Vì thế, tiền vé vào tham quan được bao nhiêu, sau khi chi phí được chia cho tất cả các hộ trong bản. Chia sẻ ấm áp đến mức Vàng A Chỉnh tặng bản cả ngàn m2 đất để làm chợ. Chợ họp vào ngày thứ 7 cuối tuần. Ồn ào náo nhiệt. Người Mông, người Tày, người La Chí... quanh vùng lũ lượt đi chợ Sin Súi Hồ. Chợ cũng làm cho bản làng giàu có.
Đến Sin Súi Hồ là để thư giãn, nghỉ ngơi, để trút bỏ mọi phiền muộn, chạy trốn khỏi phố xa bụi bặm ồn ào, tìm lại không gian hoang sơ, thanh sạch, hít thở bầu không khí trong lành. Đi trong ánh mắt nhìn thân thiện của người Mông bản Sin Súi Hồ giữa không gian nguyên sơ trong lành, tôi chợt nhớ đến những con sư tử đá nhe nanh nhọn hoắt ở cổng các khu văn hóa, khu du lịch; nhớ đến những ngôi chùa chiền bê tông cốt sắt to vật vã vô hồn ở dưới xuôi.