Lạm phát năm 2016 ở mức 4,74%
Tăng trưởng kinh tế năm 2016 ước tăng 6,21% | |
Năm 2016: Tăng trưởng GDP ước 6,3%, lạm phát khoảng 4,75-4,9% | |
Lạm phát hết thời gây sốc |
Diễn biến CPI các tháng 2016 |
Nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 12 tăng 0,23% chủ yếu do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo đó, trong tháng nhóm dịch vụ y tế tăng tới 6,93%, đẩy nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,30%.
Bên cạnh đó, Tết năm nay đến sớm khiến giá nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25% - xếp thứ hai về mức độ tăng. Kế đó là nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,19%.
Ngoài ra trong tháng còn có 2 nhóm hàng hóa nữa tăng giá, song mức tăng là khá nhẹ là Hàng hóa và dịch vụ khác (0,10%) và Thiết bị và độ dùng gia đình (0,08%).
Tuy nhiên, trong tháng cũng có 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá. Đáng chú ý, mặc dù trong kỳ tính chỉ số giá tháng 12 có hai đợt tăng giá xăng dầu ngày 5/12 và 20/12, song nhóm giao thông vẫn giảm khá mạnh 0,89%. Nhóm hàng Ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - cũng giảm 0,03% (lương thực tăng 0,22%, thực phẩm giảm 0,12% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,07%).
Ngoài ra trong tháng nhóm Giáo dục ổn định giá.
Tính chung 12 tháng năm 2016, chỉ có 2 nhóm hàng hóa giảm giá là Giao thông giảm 1,12% và Bưu chính viễn thông giảm 0,72%.
Còn lại 9 nhóm hàng hóa dịch vụ đều tăng giá. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm y tế (55,72%). Đứng thứ hai về mức độ tăng là nhóm Nhà ở và đồ dùng gia đình, song mức tăng chỉ là 3,26%. Xếp thứ ba là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 2,87%.
Điều đó cho thấy, việc lạm phát tăng cao hơn năm 2015 chủ yếu do việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Trong khi theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đang diễn ra, lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 1,87% so với tháng 12/2015; bình quân cả năm 2016 tăng 1,83% so với năm trước.
Mặc dù vậy, tính chung lạm phát năm nay là cao nhất trong 3 năm gần đây.
Liên quan đến lạm phát năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cho biết, lạm phát năm 2017 chịu áp lực chủ yếu từ yếu tố giá thế giới, được dự báo tăng trở lại. Cụ thể, yếu tố giá thế giới dựbáo làm lạm phát năm 2017 tăng thêm khoảng 2,5 điểm % so với năm 2016 (trong đó, giá năng lượng làm tăng 2,2 điểm %, giá lương thực làm tăng 0,3 điểm %). Tuy nhiên, so với năm 2016 áp lực điều chỉnh giá dịch vụ công trong năm 2017 sẽ giảm.
Bởi vậy, Ủy ban dự báo lạm phát năm 2017 sẽ phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh giá dịch vụ công theo hai kịch bản sau: (i) giá dịch vụ công không điều chỉnh, lạm phát dự báo ở mức khoảng 4%; (ii) giá dịch vụ công điều chỉnh bằng nửa mức điều chỉnh trong năm 2016, lạm phát dự báo ở mức 5%.