Lạm phát sẽ vẫn trong tầm kiểm soát
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của cả nước tăng 0,33% | |
Lạm phát cao hơn song vẫn trong tầm kiểm soát được | |
Lạm phát nên lo ở cuối năm |
Công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính từ đầu năm 2016, CPI tăng 1,33%, CPI bình quân bốn tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,41%. Nếu so với năm 2015, CPI tháng 4/2015 tăng 0,14%, tăng 0,99% so cùng kỳ năm trước và tăng 0,04% so với tháng 12/2014. Các con số này cho thấy tốc độ tăng của CPI đã nhanh hơn.
Đặc biệt, những mặt hàng có tác động mạnh tới rổ tính CPI cũng đang trở lại đà tăng, khi có tới 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có mức CPI tăng.
Trong đó, mức tăng thấp nhất là hàng hóa giáo dục (0,37%) và tăng mạnh nhất là nhóm giao thông (tăng 1,73%). Có hai nhóm hàng ổn định gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; bưu chính, viễn thông. Duy nhất nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm nhẹ ở mức 0,01%.
Ảnh minh họa |
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực thống kê, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,11% do các thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi cũng đẩy giá nông sản tăng. Nguyên nhân khác đến từ việc giá xăng dầu tăng vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%.
Diễn biến giá cả trong những tháng đầu năm và trước tình hình thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều tỉnh thành phố như hiện nay thì liệu mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% của chúng ta có đạt được? Tất nhiên mới hơn 4 tháng nên chưa thể khẳng định được lạm phát năm nay sẽ ở mức nào, nhưng sự thận trọng trong điều hành các chính sách cần phải được lường đoán, nhất là các tác động từ bên ngoài sẽ khiến chúng ta rơi vào thế bị động.
Trước hết, đối với giá dầu và những nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa có liên quan đến xuất nhập khẩu của nước ta ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam, được dự báo sẽ ở mức rất thấp. Tiếp đó là rủi ro của sự phân hóa chính sách tiền tệ của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cũng trở thành một nhân tố tạo sức ép lên chính sách điều hành.
Ở trong nước, theo lộ trình, giá các mặt hàng cơ bản, như: điện, nước, học phí, viện phí dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng vào năm 2016, từ đó, sẽ trở thành lực đẩy lên chỉ số CPI.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I chỉ ở mức 5,46%, thấp so với cùng kỳ (6,12%), và để đạt mục tiêu đặt ra năm nay là 6,8% chúng ta cần phải nỗ lực. Nhưng nếu dốc sức để đạt cho được mục tiêu GDP thì tổng cầu tăng mạnh nên rất có thể lạm phát sẽ khó kiểm soát đúng mục tiêu.
Nhìn vào diễn biến mới có thể thấy, ổn định vĩ mô vẫn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, tại Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các NHTM giảm thêm lãi suất cho vay và ngay lập tức các NHTM lớn đã thực thi. Và nếu muốn mặt bằng lãi suất cho vay ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp thì đương nhiên lạm phát phải được kiểm soát.
Nói về mục tiêu lạm phát năm nay, trong đó có lo ngại giá các mặt hàng nông sản sẽ bị đẩy lên, TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia thì không nên lo ngại việc tác động của thời tiết tới giá nông sản, bởi sự phục hồi của nông sản rất nhanh nhưng cũng chỉ là nhất thời vì cân đối cung - cầu không xảy ra hiện tượng chênh lệch lớn. Do đó mục tiêu lạm phát năm nay dưới 5% vẫn khả thi.
Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tổng cầu năm 2016 có phần tăng khá hơn năm 2015, tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn và trong phạm vi kiểm soát. Vì vậy, dự báo năm 2016, lạm phát cơ bản sẽ khoảng 3%, thấp hơn mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra.