Lạm phát cao hơn song vẫn trong tầm kiểm soát được
ANZ: Kinh tế 2016 tăng trưởng 6,9%, lạm phát chỉ 1,7% | |
Lạm phát nên lo ở cuối năm | |
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,57%, cao nhất kể từ năm 2012 |
TS. Vũ Đình Ánh |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1 vừa qua tăng cao hơn khá nhiều so với năm ngoái. Theo ông điều đó có gì bất thường?
TS. Vũ Đình Ánh: Nhìn lại diễn biến CPI quý 1/2015 có thể thấy, CPI tháng 1/2015 giảm 0,2%, tháng 2/2015 giảm 0,05%, tháng 3 tăng 0,15%. Vì thế CPI tháng 3/2015 giảm 0,1% so với cuối năm 2014 và chỉ tăng 0,93% so với cùng kỳ.
Còn năm nay, CPI tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 0,99% so với cuối năm 2015 và tăng 1,69% so với cùng kỳ.
Đúng là có yếu tố bất thường trong diễn biến giá cả tháng 3. Bởi bình thường theo thông lệ các năm, CPI tháng 1 và tháng 2 thường tăng cao do đây là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, còn tháng 3 thì giảm xuống. Tuy nhiên, CPI tháng 3 năm nay lại không theo thông lệ các năm, tăng cao hơn so với tháng 2, đó là bất thường đầu tiên. Nguyên nhân cơ bản là do việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù giá dịch vụ y tế chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng với mức độ tăng khá mạnh như vừa qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số chung. Trong khi đó, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp khiến lần đầu tiên sản xuất nông nghiệp sụt giảm và đóng góp vào GDP của nông nghiệp lại âm.
Thế nhưng, giá lương thực tăng không phải là do mất mùa hay thiếu lương thực mà do mình vẫn tiếp tục thu mua để xuất khẩu. Nó phản ánh qua giá của nhóm lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình. Trong khi nhóm hàng này lại chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính hàng hoá.
Còn một yếu tố bất thường nữa, theo tôi là giá xăng dầu. Thực ra trong suốt quý I, giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu không đồng hành với việc giảm giá của các mặt hàng khác. Khi tăng thì nó phản ánh rất nhanh, thậm chí còn khuếch đại việc tăng đó, nhưng giảm thì lại giảm rất chậm và không khuếch đại được mức giảm đó sang các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, theo tôi tăng giá tiêu dùng trong quý 1 hoàn toàn có thể chấp nhận được và không có gì đáng lo ngại. Ngay cả việc lạm phát tính theo năm đã tăng lên mức 1,69% một phần cũng bởi chỉ số của năm 2015 quá thấp, chỉ ở mức 0,93% tại thời điểm cuối tháng 3/2015.
Tuy nhiên hiện có không ít ý kiến cho rằng lạm phát năm nay chịu khá nhiều sức ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Ông bình luận thế nào về vấn đề này và theo ông những sức ép đó là gì?
TS. Vũ Đình Ánh: Đúng là lạm phát năm nay chịu tác động của khá nhiều yếu tố. Ở bên ngoài, yếu tố đầu tiên là giá dầu thô. Theo dự báo cho cả năm 2016, giá dầu có xu hướng đi xuống 20 USD/thùng hoặc dưới 20 USD/thùng nhưng thực tế, trong quý I giá dầu thô lại đảo chiều tăng, lên đến mức 40 USD/thùng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam trong bối cảnh nước ta hiện đang phải nhập khẩu xăng dầu và các chế phẩm từ xăng dầu. Tuy nhiên, rất khó có thể dự báo được mức biến động của giá dầu thô từ giờ tới cuối năm sẽ như thế nào.
Thứ hai, dự báo lạm phát toàn cầu năm nay vẫn rất thấp, thậm chí là thiểu phát ở một số khu vực. Giá hàng hoá toàn cầu, đặc biệt là các nguyên, nhiên liệu cũng nằm ở mức thấp. Minh chứng rõ ràng nhất là quý 1 năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 7% về lượng nhưng chỉ tăng 4,1% về giá trị; nhập khẩu cũng tăng hơn 4% về lượng, song giá trị lại giảm hơn 4%. Điều đó chứng tỏ giá hàng hóa quý I vẫn đi xuống kể cả xuất khẩu và nhập khẩu và xu hướng chung là giá hàng hóa trên thế giới vẫn sẽ đứng ở mức thấp. Đó cũng là yếu tố rất tốt để kìm hãm vấn đề về giá.
Yếu tố thứ ba có thể xảy ra là việc các nước có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái theo hướng giảm giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này một mặt ảnh hưởng không khỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử như việc đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh trong khi, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam hiện nay lại là Trung Quốc. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc đồng USD tăng giá khiến giá hàng hóa tính bằng USD giảm cũng làm giảm áp lực lên lạm phát ở Việt Nam.
Vậy còn các yếu tố bên trong, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh: Với các yếu tố ở bên trong, đầu tiên phải kể đến là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh có thể tác động tới giá lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, sản lượng lương thực của Việt Nam dư thừa khoảng vài triệu tấn mỗi năm nên thiên tai, mất mùa cũng không ảnh hưởng gì tới nguồn cung lương thực.
Thế nhưng, cần phải căn cứ vào biến động của nguồn cung đó để điều tiết xuất khẩu. Nếu cứ đẩy mạnh xuất khẩu sẽ gây áp lực lên giá gạo trong nước. Khi giá lương thực tăng mà lại chiếm tỷ trọng lớn chắc chắn sẽ gây hệ quả làm tăng lạm phát. Như vậy diễn biến lạm phát từ yếu tố lương thực, thực phẩm phụ thuộc vào việc điều hành xuất khẩu gạo ở Việt Nam chứ không phụ thuộc vào thiên tai hay mất mùa.
Thứ 2, đó là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, điều đặc biệt của giá dịch vụ y tế là chỉ tăng từ 1-2 lần/năm và có độ trễ tác động, trong khi CPI lại chỉ tính tác động trực tiếp. Chính vì thế, chúng ta phải linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm điều chỉnh giá. Ví dụ, nếu như tháng này chúng ta thấy tình hình giá ổn thì có thể đẩy giá dịch vụ y tế tăng lên.
Vấn đề quan trọng hơn là yếu tố tâm lý khi giá dịch vụ y tế tăng thì các yếu tố khác cũng tăng. Vì vậy, cơ quan quản lý phải đánh giá được tình hình và phán đoán được tác động, kể cả tác động trực tiếp và tác động gián tiếp.
Thứ 3 là giá xăng dầu và những mặt hàng ăn theo giá xăng dầu như chi phí vận tải. Song như đã nói, năm nay rất khó hình dung diễn biến của giá xăng dầu sẽ như thế nào. Nếu giá xăng dầu thế giới vẫn duy trì đà tăng như thời gian gần đây chắc chắn sẽ tạo sức ép lớn đến lạm phát trong nước.
Tuy nhiên, hiện tỷ trọng thu ngân sách từ xăng dầu rất lớn, cũng có nghĩa chúng ta có nhiều dư địa để giảm mức độ tác động của giá xăng dầu đến lạm phát. Nếu giả định giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng kéo theo lạm phát cao thì mình có thể giảm nhẹ mức tăng đó thông qua việc giảm bớt thu ngân sách. Còn ngược lại, nếu giá xăng dầu có xu hướng giảm sẽ đẩy thu ngân sách lên, điển hình nhất là việc dự định đề xuất tăng thuế môi trường lên 4000 đồng.
Thế nhưng, như tôi đã nói ở trên, hiện việc giảm giá xăng dầu không đồng hành với việc giảm giá của các mặt hàng khác. Khi tăng thì nó phản ánh rất nhanh, thậm chí còn khuếch đại việc tăng đó, nhưng giảm thì lại giảm rất chậm và không khuếch đại được mức giảm đó sang các lĩnh vực khác.
Ngoài ra việc tổng cầu tăng cũng tạo áp lực đến lạm phát; tình trạng thâm hụt ngân sách sẽ đẩy lãi suất tăng, qua đó cũng tác động đến lạm phát...
Giá dịch vụ y tế vừa tăng khá mạnh, học phí cũng tăng, chỉ có giá điện gần 2 năm nay vẫn chưa tăng. Vậy theo ông liệu giá điện có tăng trong thời gian tới và điều đó tác động thế nào đến lạm phát?
TS. Vũ Đình Ánh: Giá điện sẽ tăng theo lộ trình và cũng tương tự như giá các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước quản lý. Theo tôi vấn đề bây giờ chỉ còn là thời điểm và yếu tố tâm lý.
Ví dụ, xét về quản lý kinh tế vĩ mô, năm ngoái chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá điện lên cao hơn nữa cũng được, tất nhiên cũng phải lường trước yếu tố phản ứng bởi điện liên quan đến tất cả các ngành, các lĩnh vực. Hiện nay việc điều hành giá điện còn chưa lường tới việc ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất. Khi sản xuất, nếu giá điện tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng.
Vậy ông dự báo thế nào về lạm phát năm nay?
TS. Vũ Đình Ánh: Bình thường xu hướng và mức độ biến động của chỉ số giá tháng 3 có thể cho biết xu hướng hoặc ước lượng về lạm phát cho cả năm. Nhưng diễn biến giá cả tháng 3 năm nay lại tăng cao hơn nhiều so với tháng 1 và tháng 2 là trái quy luật.
Bởi vậy mức độ biến động đó chưa là căn cứ để có thể dự tính được lạm phát sẽ cao hay không cao lắm. Bên cạnh đó, các yếu tố tác động đến lạm phát từ bên ngoài và cả nội tại nền kinh tế cũng rất khó lường và phụ thuộc nhiều vào ý chí điều hành.
Tuy nhiên, với biến động giá cả những tháng đầu năm thì chỉ số giá năm nay chắc chắn sẽ phải cao hơn so với năm 2015.
Xin cảm ơn ông.