Lạm phát tăng, nhưng chưa quá quan ngại
USD đứng ở mức cao nhờ kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ | |
Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Trên đà khởi sắc |
Tại Mỹ, lạm phát cơ bản và lạm phát toàn phần đều đã tăng trên mức mục tiêu 2%; trong khi đó tại nhiều nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản và khu vực EU, lạm phát đã quay trở lại, đẩy lùi nguy cơ giảm phát kéo dài dai dẳng trong suốt nhiều năm qua. Nước Anh đang phải đối mặt với thách thức lạm phát do dưới tác động của Brexit, đồng tiền của nước này liên tục mất giá và có thể tạo áp lực khiến lạm phát tăng lên 3% hoặc cao hơn vào cuối năm 2017.
Diễn biến lạm phát toàn phần tại một số nền kinh tế phát triển chủ chốt |
Tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, giá cả cũng có chiều hướng đi lên sau một giai đoạn dài được giữ ổn định. Sự đi lên của lạm phát được ghi nhận ở cả hai nhóm nước xuất khẩu và nhập khẩu. Đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, sự gia tăng lạm phát là kết quả của những chính sách kích thích kinh tế trong khi đó đối với các nền kinh tế nhập khẩu, sự gia tăng lạm phát chủ yếu do tác động muộn từ chuỗi tăng giá cả hàng hóa toàn cầu kéo dài từ năm ngoái.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng lạm phát trong giai đoạn vừa qua là do giá cả hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng có sự hồi phục mạnh mẽ trong năm 2016. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, giá hàng hóa không còn giữ được đà tăng của năm ngoái.
Chỉ số giá cả hàng hóa chung theo thống kê của IMF chỉ duy trì được đà tăng trong 2 tháng đầu năm và giảm liên tục kể từ tháng 3 trở lại đây. Với diễn biến như vậy, chỉ số giá cả hàng hóa chung đã giảm nhẹ 0,92% trong quý I và giảm mạnh gần 6% trong quý II. Tính chung 6 tháng, chỉ số này đã lao dốc 6,58% và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016 trở lại đây.
Diễn biến của các nhóm hàng chính cũng bám sát theo diễn biến của chỉ số giá hàng hóa chung với hầu hết các nhóm hàng như năng lượng, nông nghiệp thô, kim loại… đều giảm giá so với cuối năm ngoái, trong đó sự sụt giảm mạnh mẽ được ghi nhận trong các tháng của quý II.
Cụ thể, giá các mặt hàng năng lượng ghi nhận mức giảm mạnh nhất lên đến 11,86% so với cuối năm trước; giá các mặt hàng nông nghiệp thô cũng giảm hơn 3% và nhóm hàng kim loại đã không còn giữ được đà tăng liên tục kể từ cuối năm 2015 khi giảm gần 6% trong nửa đầu năm.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu ghi nhận nhiều biến động với những tháng tăng giá xen kẽ giảm giá, trái ngược với kỳ vọng về sự đi lên ổn định của giá dầu hồi cuối năm trước. Trong nửa đầu năm, thị trường vẫn chịu áp lực chủ yếu bởi các yếu tố nguồn cung, trong đó đáng chú ý là sự thất vọng bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC chưa được thực hiện nghiêm túc và sản lượng dầu tại Mỹ cũng như một số quốc gia ngoài OPEC vẫn tiếp tục gia tăng.
Điều đó đã đẩy giá dầu có những phiên lao dốc mạnh vào giữa tháng 3, đầu tháng 5 và cuối tháng 6, trong đó có thời điểm giá dầu đã giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 43 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái trở lại đây. Như vậy, kết thúc 6 tháng, giá dầu WTI và giá dầu Brent đều giảm khá mạnh trên 13% so với cuối năm ngoái.
Diễn biến lạm phát toàn phần tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi |
Ngoài ra, tổng cầu tại các nền kinh tế phát triển mặc dù đã bắt đầu phục hồi nhưng vẫn còn ở mức thấp hơn rất nhiều giai đoạn trước khủng hoảng, khiến áp lực lạm phát từ phía cầu cũng sẽ không quá lớn.
Với những diễn biến như vậy, chuỗi tăng lạm phát này có thể sẽ không kéo dài quá lâu và ít tạo ra áp lực đối với các nhà điều hành chính sách. Trên thực tế hiện nay, lạm phát mặc dù đã gia tăng tại hầu khắp các quốc gia nhưng vẫn còn thấp hơn mục tiêu đề ra.
Tại khu vực EU và Nhật Bản, lạm phát vẫn còn cách khá xa ngưỡng mục tiêu 2%. Tại Mỹ lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản sau khi đạt đến ngưỡng 2% lại có xu hướng giảm trở lại trong những tháng gần đây. Một số nền kinh tế đang phát triển và mới nổi như Brazil và Nga vốn gánh chịu áp lực lạm phát cao trong năm trước, hiện nay cũng đã hạ nhiệt khá nhiều.