Lo cho tăng trưởng kinh tế dài hạn
Kinh tế nửa cuối năm đối mặt nhiều khó khăn | |
Việt Nam: Hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững |
6 tháng cuối năm, nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng khá tốt và khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 6,8% cho cả năm 2019, thậm chí có thể còn cao hơn. Tuy nhiên, cần nhận diện các động lực thúc đẩy tăng trưởng có bền vững và duy trì được trong dài hạn hay không. Đó là khuyến nghị của Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tại toạ đàm công bố Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019, tổ chức ngày 11/7.
Năng suất lao động tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp |
Duy trì triển vọng lạc quan
Bà Trần Thị Hồng Minh - Giám đốc NCIF đánh giá, trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, đáng chú ý là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Ước tính tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 toàn nền kinh tế đạt 6,76%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, con số này vẫn cho thấy triển vọng lạc quan của nền kinh tế khi tốc độ tăng đang ở mức cao hơn so với đà tăng trưởng của 6 tháng các năm 2011-2017. Trong bối cảnh đó, NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86% (thấp so với mức 7,08% tương ứng của năm 2018). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2018.
TS. Đặng Đức Anh - Phó giám đốc NCIF cũng cho rằng, cả năm 2019 nền kinh tế vẫn có khả năng đạt mức cao 6,8%, thậm chí có thể vượt trên mức này, đặc biệt nếu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo có sự cải thiện. Về lạm phát, thời gian tới với mức thấp của 6 tháng đầu năm, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh tốc độ nhanh hơn với giá dịch vụ công. “Nhìn chung các chỉ tiêu đề ra cho năm 2019 về cơ bản đạt và vượt so với dự kiến, quan trọng là xem nó đến từ đâu và liệu có bền vững hay không”, ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, NCIF đề xuất một số giải pháp bổ sung so với các Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, nhằm giữ vững đà tăng trưởng trong các tháng cuối năm. Cơ quan này lưu ý, đầu tiên cần điều hành chính sách tiền tệ kiên định trong việc giữ ổn định, vì chỉ có sự ổn định này mới tạo ra nền tảng cho tăng trưởng, nếu chúng ta lơ là sẽ rất dễ tạo nguy cơ bất ổn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, để bù đắp cho sụt giảm của khu vực chế biến chế tạo, thời gian tới cần làm tốt hơn nữa việc giải ngân vốn FDI cũng như vốn tư nhân.
Một giải pháp thiết thực khác là tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ. NCIF cho rằng việc phát hiện các sai phạm này không đơn giản vì cần phải xác định xem DN nhập khẩu hàng hoá là sản phẩm lẩn tránh xuất xứ hay nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu.
Một vấn đề khác đã được nhận diện nhưng chưa có hiệu quả nhiều là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là điểm yếu của kinh tế Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh FDI vào nhiều như hiện nay, với luồng vốn vào và chi phí đầu tư gia tăng, nếu Việt Nam không có sự cải thiện, nâng cao năng suất lao động rất dễ rơi vào bẫy chi phí tăng quá cao trong khi quá trình thay đổi chất của nền công nghiệp không theo kịp.
Nguy cơ giảm tốc trong 10 năm tới
Khi tăng trưởng cả năm đã nằm trong tầm tay, NCIF cảnh báo cần chú ý tới các vấn đề tác động đến nền kinh tế trong dài hạn. Theo đó, cơ quan này cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có những tác động lớn, cả trực tiếp và gián tiếp tới kinh tế Việt Nam. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gia tăng, khiến Việt Nam dễ rơi vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng nước ngoài đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực tới các DN xuất khẩu. Về trung và dài hạn, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chịu tác động tiêu cực do kinh tế thế giới và kinh tế các đối tác lớn giảm tốc.
Yếu tố khác là vai trò của Chính phủ số tới tăng trưởng kinh tế. Theo NCIF, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016 – 2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021 – 2030.
Cũng tại báo cáo giữa kỳ năm 2019, NCIF lần đầu tiên đưa ra nhận định cần chú ý tới sự đóng góp của tầng lớp trung lưu đối với phát triển kinh tế Việt Nam. Đối với tăng trưởng kinh tế, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tất yếu không chỉ kéo theo cầu tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ trên nhiều phương diện, mà còn cho thấy mức tiết kiệm của tầng lớp này cũng ngày càng tăng. Điều này không chỉ góp phần quan trọng phản ánh đầu ra và đầu vào của nền kinh tế được thông suốt hơn, mà còn phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng được cải thiện hơn.
Ngoài ra, sự gia tăng số lượng trong tầng lớp trung lưu tất yếu cũng phản ánh chất lượng và năng suất lao động trong nền kinh tế tăng. NCIF cho rằng đây cũng là “điểm tựa”, “bệ đỡ” cho các tầng lớp có mức sống thấp hơn, tạo dịch chuyển xã hội sang nấc thang phát triển mới cao hơn; là động lực chính trong thúc đẩy cải cách, đổi mới, sáng tạo của xã hội...
Cùng với những vấn đề tác động đến tăng trưởng, NCIF cũng đưa ra nhận định về xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhờ tận dụng được tác động tích cực từ xu hướng toàn cầu hoá và kinh tế số, cộng với nỗ lực từ nền kinh tế trong nước, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, mô hình tăng trưởng kinh tế dần chuyển đổi. Tuy giai đoạn 2021-2025 vẫn chủ yếu dựa vào những động lực tăng trưởng kinh tế cũ nhưng chất lượng, hiệu quả nền kinh tế được cải thiện hơn, cơ cấu GDP theo các khu vực kinh tế lớn chuyển dịch nhanh hơn; năng suất lao động tăng trung bình 6-6,3%; hiệu quả sử dụng vốn và đóng góp TFP cải thiện.
Theo dự báo này, xu hướng tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 giảm nhẹ, mặc dù vẫn duy trì được mức khá, tương ứng khoảng 7% và 6,5% tương ứng trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lo ngại, nếu không kịp thời tính toán và không chấp nhận trả cái giá nhất định thì việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ rất khó thực hiện. Như vậy, trong thời gian ngắn hạn 1 năm hay vài ba năm tốc độ tăng trưởng có thể đạt được con số đặt ra, nhưng dài hạn thì rất khó.