Logistics phải tận dụng lợi thế
Dịch vụ xếp dỡ hàng của DN logistics Việt Nam |
Theo đó, phát triển các trung tâm logistics trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.
Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24% - 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%... Đây được xem như cánh cửa mở rộng để DN ngành logistics Việt Nam tận dụng hết cơ hội sẵn có trên sân nhà.
Ông Trần Duy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 1.200 DN hoạt động trong ngành logistics, trong số đó phần lớn là vừa và nhỏ. Từ năm 2014, Việt Nam mở cửa hoàn toàn ngành logistics, hầu hết các DN nước ngoài lớn, đa quốc gia đều có mặt tại Việt Nam (DHL, Kuehne & Nagel, DB Schenker...).
Sự có mặt của những thương hiệu này tạo ra môi trường cạnh tranh quyết liệt giữa các DN trong và ngoài nước. Nhìn toàn cảnh, DN nội có phần yếu thế hơn. Tuy nhiên thực tế, hàng năm logistics đóng góp khoảng 20% - 25% GDP của đất nước và trong số này, không phải chỉ có doanh thu của những tập đoàn nước ngoài, mà hệ thống các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng đang chứng tỏ sức mạnh nội tại, năng lực của mình để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, thị trường Việt Nam có ba nhóm cung ứng dịch vụ logistics là công ty đa quốc gia, công ty liên doanh nước ngoài, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước và các công ty tư nhân, cổ phần. Trong đó, dù yếu thế hơn về thị phần kinh doanh, nhưng các DN tư nhân, cổ phần lại được xem là nhóm có nhiều tiềm năng phát triển nhất, bởi khách hàng của họ là DN nội, công ty tư nhân, cổ phần có lực lượng đông đảo trong cộng đồng DN.
DN logistics nội có lợi thế sân nhà, có thể tư vấn và cung cấp giải pháp linh hoạt, đồng hành với khách hàng sử dụng dịch vụ. Nếu nhìn toàn cục, thì thấy cộng đồng DN nội đang có sự phát triển mạnh mẽ từ công nghệ, quy mô, nhân sự, đến đổi mới phương thức kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.
Theo ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DV-TM Nhất Việt (TP. Hồ Chí Minh), từ hoạt động dịch vụ logistics của công ty như cung cấp hệ thống nhà xưởng đạt tiêu chuẩn công nghiệp rộng khắp các tỉnh thành miền Nam, dịch vụ giao nhận, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa… cho thấy, tiềm năng phát triển logistics ở nước ta (nhất là tại khu vực thành thị) rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các đồng nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, về hệ thống kho bãi, doanh nghiệp trong nước đang sở hữu phần lớn hệ thống kho bãi phục vụ trong ngành logistics (các doanh nghiệp nước ngoài khi thực hiện chuỗi cung ứng thì đa phần đều phải thuê kho, hoặc nếu có thì phải liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước). Doanh nghiệp nội vốn nắm vững được thị trường, tâm lý khách hàng, vị trí địa lý, thời tiết, văn hóa bản địa hơn các doanh nghiệp nước ngoài.
Về nhân sự, người lao động trong nước nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê các chuyên gia là người nước ngoài làm việc cho mình.
Hiện nay, rất nhiều DN nội đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đầu tư xây dựng, phát triển kho bãi, trung tâm phân phối hiện đại để trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của công ty đa quốc gia sản xuất và phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
Có thể thấy, DN logistics Việt Nam hiện đã đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, phục vụ yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ chuỗi cung ứng của khách hàng trong nước và khu vực. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành logistics Việt trong tương lai.