Lường trước rủi ro kinh tế dài hạn
Thủ tướng 'đặt hàng' tìm động lực tăng trưởng mới | |
Nền kinh tế có thể tăng tốc nhanh hơn?! | |
WB dự báo kinh tế VN tăng trưởng 6,8% năm nay |
Nền kinh tế “nhảy cóc”
Cho tới thời điểm hiện tại, rất nhiều chuyên gia đều có chung dự báo GDP năm 2019 sẽ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi kinh tế sẽ tăng trưởng khó khăn hơn. Đó là do cơ cấu kinh tế nhìn thoáng qua có sự chuyển dịch khá tốt, song thực chất lại có xu hướng “nhảy cóc” qua ngành công nghiệp, chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ. Hầu như không có ngành công nghiệp xương sống nào do khối DN trong nước nắm giữ.
Cải thiện năng suất lao động mới giúp tận dụng cơ hội từ hội nhập |
Cho rằng cấu trúc nền kinh tế có dịch chuyển song sự tiến bộ là không đáng kể, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế phân tích, chúng ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ năm 1995 nhằm dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên tới nay xét về tăng trưởng trong ngành chế biến chế tạo không thay đổi nhiều, sự tham gia của NĐT nước ngoài trong nền công nghiệp chiếm quá nửa. 20 năm qua Việt Nam không có được một sản phẩm chế tạo nào thực sự. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ thay vì hướng công nghiệp hóa như mục tiêu.
TS. Đặng Đức Anh - Trưởng Ban Phân tích và dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cũng lo ngại, về lâu dài khi nền sản xuất công nghiệp phụ thuộc lớn vào khối FDI sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ. Trước hết, động lực chính của tăng trưởng tập trung vào một số mặt hàng như điện tử, máy tính, điện thoại, sẽ khiến rủi ro tăng lên nếu các sản phẩm này trong giai đoạn bão hòa và nhu cầu sử dụng không tăng cao như trước. Hiện nay các sản phẩm này có tới hơn 90% hàm lượng từ khối FDI. Nhờ đó trong năm vừa qua cán cân thương mại thặng dư, song là nhờ FDI bù đắp cho thâm hụt thương mại trong nước và xu hướng này ngày càng mở rộng. Kéo theo đó, rủi ro vĩ mô có thể đến sớm trong giai đoạn 2019 – 2020 từ việc khối FDI tập trung vào sản xuất một số mặt hàng, dẫn tới xuất hiện nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thị trường thế giới, gây tác động xấu tới cả nền sản xuất và các DN trong nước.
Nghiên cứu của NCIF cũng cho thấy, nhập khẩu của các DN sản xuất tại Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ Trung Quốc, sẽ gây tác động tiêu cực trong dài hạn đối với DN. Đó là bởi khi DN tận dụng được nguyên liệu, máy móc giá rẻ của Trung Quốc thì có xu hướng thiếu đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu các DN vẫn tận dụng điều này thì trong dài hạn, khả năng cạnh tranh rất thấp, đặc biệt trường hợp chiến tranh thương mại tiếp tục lan rộng.
Trên thực tế, mặc dù chất lượng tăng trưởng có chuyển dịch tích cực, nhân tố năng suất tổng hợp được cải thiện, song nền kinh tế vẫn dựa vào vốn là chủ yếu và nhìn chung tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng.
Một biểu hiện khác cho thấy khả năng cạnh tranh của khối DN trong nước đang giảm sút là số lượng DN thành lập tương đối tốt, nhưng chưa có đánh giá sâu sắc về sức khoẻ DN. Trong khi đó, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động cũng tăng nhanh. Trong khi môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng không đều, nhìn chung các chỉ số quan trọng chưa có cải thiện đáng kể.
Hội nhập chỉ tốt nếu năng suất cải thiện
Những tác động tiêu cực không chỉ tiềm ẩn từ nội tại nền kinh tế mà sẽ xuất hiện nhiều hơn từ bên ngoài. TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới – NCIF cho rằng, trong 2 năm tới diễn biến của kinh tế thế giới có thể vẫn tác động có lợi đối với Việt Nam, tuy nhiên từ thời điểm 2020 – 2021, tác động sẽ mang tính tiêu cực nhiều hơn.
Trước hết, thu ngân sách sẽ không được nhiều trong quá trình thực thi các FTA. Hệ quả là Chính phủ sẽ buộc phải tính tới các nguồn thu khác để bù đắp vào số thiếu hụt. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực với người dân rất hiển hiện, còn tác động tích cực trong việc giảm thuế quan chưa rõ ràng. Rõ ràng đây là thách thức lớn với Việt Nam khi tham gia các FTA.
Phân tích kỹ hơn vào một số FTA quan trọng, có thể thấy lợi ích mang lại cũng rất hạn chế. Ngay cả CPTPP cũng chỉ có một số ngành được hưởng lợi, song chủ yếu là những ngành thâm dụng lao động; trong khi cũng có một số ngành chịu những tác động tiêu cực như chăn nuôi, khai khoáng, dịch vụ tài chính…
Tương tự như vậy, tác động tăng thêm của EVFTA không nhiều và cũng chỉ tập trung ở một số ngành như da giày, dệt may, chế biến nông sản… còn các ngành khác mức độ là tương đối thấp. Ngoài ra, tác động chuyển hướng thương mại ở thị trường này cũng lớn, đồng nghĩa là để tăng trưởng xuất khẩu ở EU thì phải giảm ở thị trường khác.
“Với các FTA, các nghiên cứu đã so sánh một số tác động luỹ tiến sau thời gian tham gia và đều cho thấy trừ khi chúng ta có cải thiện rất quan trọng về năng suất thì mới hưởng lợi. Tức là từ nay đến 2035 thì tác động này chỉ nhiều tích cực khi chúng ta đi kèm với cải thiện năng suất DN trong nước, nếu không thì nó không đáng kể”, ông Thắng cảnh báo.
Theo các chuyên gia, trong khi tác động của hội nhập đối với các ngành sản xuất không nhiều, thì tác động tiêu cực với các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính sẽ ngày càng rõ nét hơn. Độ mở tài chính cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế, cùng với tỷ lệ nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ lớn, sẽ ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như khả năng giảm mặt bằng lãi suất đối với DN. Hệ quả là khả năng cạnh tranh và tiếp cận nguồn vốn của DN trong nước trên thị trường gặp khó khăn hơn.
Với nội tại nền kinh tế, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường ĐH Fubright Việt Nam cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn đọng mà nếu không xử lý kịp thời sẽ là lực cản trong dài hạn. Đó là vấn đề tiền lương cao hơn năng suất lao động, làm giảm lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của quốc gia trong năm vừa qua đã tăng lên rất nhanh, cũng là vấn đề cần lưu ý đối với an ninh tài chính trong giai đoạn tới.