Mắc kẹt với truyền hình trả tiền
Suốt từ hôm 1/4, khi phía cung cấp dịch vụ thay đổi kênh truyền hình, tôi liên tục khởi động lại đầu thu, dò kênh… Nhưng, nhiều kênh truyền hình ưa thích đều “bốc hơi” khỏi danh sách tải về. Những kênh phim tiếng Anh hay phụ đề như HBO, MAX, RED, AXN, WarnerTV… đều không còn thấy nữa; các kênh kiến thức như Discovery, Animal Planet, Discovery Asia cũng không còn; kênh tin tức như CNN, BBC News “bay mất”; kênh thể thao Fox Sports cũng vậy.
Con tôi tìm hoài kênh hoạt hình Cartoon Network, Disney Channel cũng chẳng thấy đâu. Cả gia đình có cảm giác như truyền hình cáp giờ đây trở nên vô dụng, không còn bất kỳ nội dung nào đáng xem nữa.
Thông báo của VTVcab về việc thay đổi kênh truyền hình |
Tìm hiểu thì được biết, từ ngày 1/4, không chỉ hệ thống truyền hình VTVcab mà cả NextTV của Viettel đều ngưng phát sóng nhiều kênh truyền hình quốc tế như nêu trên, trong khi bổ sung khoảng hơn một chục kênh truyền hình khác, được giải thích là “tương đồng”.
Phía tổng đài chăm sóc khách hàng của VTVcab cho biết việc thay đổi này là nhằm đáp ứng yêu cầu mới, đã tham khảo một số khách hàng, việc ngưng phát sóng một số kênh nhưng bổ sung các kênh khác không làm ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng… Tôi thực sự không đồng tình với cách giải thích này, vì tôi chưa thấy ai nói đã được hỏi ý kiến, rằng họ đã đồng tình với thay đổi nêu trên...
Lục tìm trong dữ liệu về tin nhắn trên đầu kỹ thuật số truyền hình thì được biết, VTVcab chỉ thông báo sơ sài như sau: “Từ 1/4, VTVcab sắp xếp và bổ sung nhiều kênh truyền hình quốc tế đặc sắc, mới nhất và duy nhất tại Việt Nam”. Trong khi đó, Viettel thông báo đầy đủ hơn, dù vẫn chưa đầy đủ về số kênh ngưng phát sóng, kênh bổ sung.
Trong khi đó trên mạng xã hội, rất nhiều người tỏ ra bức xúc như tôi. Đa số cho rằng việc ngưng phát sóng kênh ưa thích của người dùng, trong khi phát các kênh mới rất khó kiểm chứng được việc thay đổi có làm ảnh hưởng quyền lợi khách hàng hay không. Rồi việc cung cấp dịch vụ khác đi so với thời điểm ký hợp đồng dẫn tới việc “ép” người dùng phải dùng các kênh không mong muốn, trong khi cắt giảm các kênh hay theo dõi của họ là vi phạm đến lợi ích khách hàng.
Với trường hợp ở nhà chung cư như tôi, tình hình còn đáng bức xúc hơn. Tòa nhà chỉ có duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là sử dụng dịch vụ tiếp, hoặc cắt hẳn hình thức giải trí này khỏi cuộc sống hàng ngày. Điều này tác động khá lớn đến không chỉ người lớn trong gia đình, những người theo dõi kênh phim truyện như một hình thức thư giãn sau giờ làm việc; đồng thời ảnh hưởng đến giới trẻ vốn dĩ hay theo dõi các kênh hoạt hình, kiến thức tổng hợp… Đã có những tiếng nói đề nghị cộng đồng quay lưng với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền này.
Tìm hiểu về các quy định, cam kết với khách hàng, tôi xem lại bản hợp đồng đã ký với nhà cung cấp dịch vụ mới thấy việc ngưng phát sóng kênh, hay bổ sung hoàn toàn nằm trong quyền của nhà cung cấp. Tại khoản 5.5, Điều 5 ghi rõ: Bên B được quyền thay đổi số lượng kênh trong mỗi gói kênh trong từng thời điểm trong các trường hợp: Chương trình phương hại đến an ninh, chính trị quốc gia; Chương trình vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam; Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; và một số trường hợp bất khả kháng khác.
Không rõ lần thay đổi này thuộc trường hợp nào trong các trường hợp nêu trên? Có thể nhà cung cấp dịch vụ thực hiện đúng quy định pháp luật? Nhưng chỉ có một điều chắc chắn là các nhà cung cấp dịch vụ đang tự đưa mình vào thế khó. Việt Nam từng được xếp hạng là một trong 10 thị trường có lượng người xem truyền hình lớn. Truyền hình cáp lại đang ngày càng phổ biến. Theo dữ liệu được công bố, đến cuối năm 2017, thị trường truyền hình trả tiền đạt tổng số khoảng 14 triệu thuê bao, doanh thu 7.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh khá sòng phẳng. VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+ đều có các hoạt động cơ cấu các gói cước để thu hút thêm khách hàng trong nhiều năm qua. Các cuộc “chạy đua” này giúp tăng thuê bao, nhưng doanh thu lại theo chiều hướng giảm. Bởi năm 2016 trước đó, toàn thị trường mới có khoảng 12,5 triệu thuê bao nhưng đạt doanh thu khoảng 12.000 tỷ đồng…
Giữa một thị trường cạnh tranh như thế, việc thay đổi kênh truyền hình phát sóng, điều chỉnh lớn liên quan đến quyền lợi khách hàng mà không được tiến hành cẩn trọng: tuyên truyền đi trước, nắm bắt phản ứng khách hàng, tìm giải pháp tối ưu… có thể đem đến những thách thức cho nhà cung cấp. Rất nhiều người cho biết đã tìm hiểu về cách thức ngừng hợp đồng dịch vụ truyền hình trả tiền sau các thay đổi nói trên.
Với người sống ở chung cư, ở vị trí là khách hàng của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chúng tôi đang mắc kẹt với việc không thể chọn được bên cung cấp dịch vụ đúng với nhu cầu sử dụng của mình. Chúng tôi cũng mắc kẹt giữa những bức xúc vì biết thông tin thay đổi kênh quá muộn, nhưng không có hướng hành xử nào để giải tỏa bức xúc. Chúng tôi cũng mắc kẹt trong việc lựa chọn ai, cơ quan nào để đặt niềm tin vào đó với hy vọng vấn đề của chúng tôi sẽ được giải quyết ổn thỏa.