Mạnh tay với cổ phần hóa
CPH và thoái vốn Nhà nước: Chủ trương đúng, cần cách làm mới | |
Hoàn thiện Đề án cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN | |
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN |
Cần người có người, cần chính sách có chính sách
Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và với tinh thần “Khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh lên”.
Tại Hội nghị ngành Tài chính vừa rồi, Thủ tướng đã nhắc nhở: “Chúng ta đều biết, cái mắc lớn nhất trong CPH là lợi ích và động lực. Để có đột phá, tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính là tư lệnh, chịu trách nhiệm chính trên mặt trận này. Cần cơ chế gì để làm được, các đồng chí cứ mạnh dạn đề xuất. Cần người có người, cần chính sách có chính sách”.
Sau 1 năm cổ phần hoá, Công ty Xuân Hòa đã có những thay đổi đáng kể, năm 2016, doanh thu trong mảng nội thất là 368,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2015 |
Trước đó một tháng, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 hôm 6/12/2016, Thủ tướng kết luận: “Sắp xếp, tái cơ cấu, CPH DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2017 của tất cả cán bộ, đảng viên”. Thủ tướng nhắc nhở: tuy đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng làm chưa được bao nhiêu và vẫn rất nhỏ lẻ.
5 năm qua, số lượng DNNN giảm đi nhưng tỷ lệ CPH rất thấp, mới CPH được 8% số vốn, 92% còn lại vẫn do Nhà nước nắm giữ. Vẫn còn gần 100 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn, chiếm giá trị từ 70-100% vốn Nhà nước. Nên chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn. Vì thế phải tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực.
Và những năm qua, nhiều quyết sách lớn đã được đưa ra để thúc đẩy CPH. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, các cơ chế chính sách về quản lý tài chính DN và sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và liên tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN và tình hình thị trường, tạo điều kiện để DN hoàn thành kế hoạch CPH.
Bên cạnh sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN mà Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Vụ Đổi mới DN (Văn phòng Chính phủ), Bộ Tài chính... đã rất sát sao với DN, với các bộ ngành và địa phương, đã trực tiếp hỗ trợ hoặc đề xuất để Chính phủ nhanh chóng giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình CPH.
Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 588 DN, trong đó CPH được 508 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN. Tổng giá trị thực tế của 508 DN thực hiện CPH là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. |
Mới đây nhất, danh mục 240 DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 và danh mục loại DN có tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước nắm giữ cũng đã được công bố. “Như vậy chủ trương đã rõ, thể chế đã đầy đủ, chỉ còn làm thế nào mà thôi”, ông Đặng Quyết Tiến (Phó cục trưởng Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính) phát biểu.
Bằng mọi giá phải giải phóng nguồn lực của DNNN
Thủ tướng nhấn mạnh: Tài sản và vốn ở DNNN hiện là hơn 5 triệu tỷ đồng Việt Nam, vì vậy phải tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực của DNNN, để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn. Nếu không giải phóng được nguồn lực này thì các thành phần kinh tế khác không lớn lên được.
Chính sách đủ, cơ chế có, chế tài cũng đã rõ, vấn đề là ở khâu thực hiện. Nhưng thực hiện vẫn khó khăn do đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.
Mặt khác, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị. Nhưng một phần nguyên nhân quan trọng khiến việc CPH, thoái vốn vẫn chậm và nhỏ lẻ, tỷ lệ bán vốn Nhà nước thấp, được ông Tiến chỉ ra: “Dư âm của Bộ Giao thông - Vận tải là sau khi bán vốn Nhà nước cho tư nhân, lãnh đạo DN không có việc làm, phải về bộ nên nhiều DN co cụm lại. Tư tưởng không thông thì không thể CPH tốt được”.
Khi bàn về giải pháp thúc đẩy CPH, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN đã nhấn mạnh vấn đề “Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành”. Nhiều ý kiến kiến nghị cần xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành DN.
Trước những nguyên nhân đang làm chậm tiến trình mà các bộ, các địa phương và những vướng mắc như lãnh đạo DN báo cáo, Thủ tướng cũng đã phải nói: “Chúng ta cứ ngại, chúng ta không làm, chúng ta cứ để mãi như vậy thì chúng ta không bao giờ CPH, không bao giờ sắp xếp lại được DNNN”. Thủ tướng tuyên bố: “Tôi xin nói lại bộ trưởng nào, chủ tịch, tổng giám đốc nào không làm, làm chậm và làm thất thoát thì phải xử lý”.
Lời tuyên bố của Thủ tướng cho thấy Chính phủ sẽ mạnh tay hơn. Và cũng đã có một số lãnh đạo DN lớn bị thuyên chuyển công tác, do không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu DN, chậm thực hiện CPH. 2 trường hợp điển hình là : ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), bị điều chuyển về làm phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão của Bộ Giao thông - Vận tải; ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), bị điều chuyển về công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với những chỉ đạo và tuyên bố của Thủ tướng thì đây có lẽ là giai đoạn quyết liệt nhất trong suốt 15 năm tiến hành sắp xếp đổi mới và CPH DNNN, hy vọng CPH sẽ khẩn trương hơn và thực chất hơn.
Kết quả thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã và đang thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (Bất động sản, Chứng khoán, Tài chính-Ngân hàng, Bảo hiểm và Quỹ đầu tư) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2011- 2015, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng. |