Mất đất sản xuất vì hút cát
Khai thác cát trái phép trong khu công nghiệp | |
Khai thác cát trái phép và những hệ lụy |
Người dân địa phương đã nhiều lần “cầu cứu” lên các cấp chính quyền, tuy nhiên vụ việc vẫn tiếp diễn, hàng trăm hecta đất sản xuất đang có nguy cơ bị sạt lở xuống sông. Người dân thì mất đất, DN và các cá nhân, đơn vị vẫn vô tư hút cát bán, chính quyền thì thờ ơ với kiến nghị của người dân. Vì sao, Đăk Nông lại để diễn ra tình trạng này?
Người dân rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương |
Đơn cử, mặc dù nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng việc đất nông nghiệp bị sạt lở xuống sông, do ảnh hưởng bởi nạn khai thác cát quá mức. Thế nhưng, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đất vẫn sạt, người dân lại tiếp tục kêu cứu.
Đứng cạnh vườn cà phê đang bị sạt lở xuống sông Krông Nô, ông Hồ Doãn, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, Đăk Nông chua xót, gia đình có 2,5ha đất trồng cà phê, với 350m dọc sông Krông Nô được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998. Song từ năm 2011 đến nay, khi các DN khai thác cát liên tục hút cát gần bờ sông, khoảng 2 sào (2.000m2) đất của gia đình đã bị sông “nuốt chửng”.
Quá bức xúc trước thực trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng và có nguy cơ tiếp tục mất đất sản xuất, ông Doãn nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tương tự, trường hợp của gia đình ông Lê Quang Hùng (tại thôn Phú Cường, xã Đăk Nang) cũng không tránh khỏi lo lắng, khi có đến hơn 100m chiều ngang của đất canh tác của ông có nguy cơ sạt trong mùa mưa này.
Trước thực trạng này, khi trao đổi về vấn đề này, ông Mai Thế Viễn, Quản lý Công ty TNHH Xuân Bình (xã Đắk Nang) khẳng định, Công ty Xuân Bình tiến hành khai thác cát đúng theo quy định của giấy phép khai thác như hút cách bờ sông 5m, hút giữa sông và chỉ hút sâu 3m.
Hiện DN có 3 tàu khai thác cát đang hoạt động, với sản lượng cát trung bình mỗi ngày 140m3. Đại diện lãnh đạo DN đã trực tiếp tới nhà gặp từng hộ dân để giải thích cho họ hiểu không phải do đơn vị khai thác cát. Có chăng là do thủy điện xả nước làm ảnh hưởng.
Trước đó, tại cánh đồng Đắk Rền xã Nâm N'đir (Krông Nô) có trên 1.000 ha. Để cung cấp nguồn nước tưới cho cánh đồng này, năm 2009 UBND huyện Krông Nô đã đầu tư 6 trạm bơm điện lắp đặt bên bờ sông Krông Nô.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2015, Công ty TNHH MTV Phú Bình đặt bến hút cát gần với hai trạm bơm số 3 và số 4. Việc khai thác cát của DN đã làm cho mực nước sông ở đây xuống thấp, thậm chí làm thay đổi dòng chảy, treo giỏ ống hút của trạm bơm điện, dẫn đến tình trạng trạm bơm không có đủ nước tưới cho khoảng gần 300ha lúa và hoa màu ở khu vực này.
Trước thực trạng đó, nhiều hộ dân có diện tích cây trồng ở gần khu vực trạm bơm số 3 và số 4 thuộc Công trình thủy lợi Đắk Rền, xã Nâm N'đir rất mong các cơ quan chức năng của huyện Krông Nô có biện pháp yêu cầu Công ty TNHH MTV Phú Bình di dời hai bến cát và điểm hút cát ra xa trạm bơm để bảo đảm an toàn cho công trình và bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là vào thời điểm nắng hạn như hiện nay.
Theo ông Đàm Quang Trung, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đăk Nông, hiện tượng sạt lở đất của người dân tại huyện Krông Nô là có thật. Nguyên nhân do khai thác cát, khô hạn khiến lượng nước giảm và do thủy điện Buôn Tua Srah làm đổi dòng chảy, lưu lượng nước thay đổi khiến đất sạt lở.
Ông Trung cho biết, hiện cơ quan Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đăk Nông đang cử đơn vị liên quan phối hợp làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề. Đồng thời, tiến hành làm các thủ tục xin vốn biến đổi khí hậu làm kè ở những chỗ xung yếu để chèn lại ngăn sạt lở.
Tuy nhiên, để giải quyết có hiệu quả vấn nạn này, chính quyền tỉnh Đăk Nông, cần phải sớm quy hoạch lại các điểm khai thác cát trên địa bàn một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả để quản lý chặt chẽ.
Đồng thời, thường xuyên tuần tra kiểm soát, đặc biệt, cần có chế tài xử lý nghiêm, có sự phân công trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng cấp ngành, địa phương để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trên địa bàn.