Siết hoạt động khai thác cát, sỏi
Đăk Lăk tái phát vấn nạn “cát tặc” | |
Đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép |
Gia tăng khai thác trái phép
Quảng Nam một trong những địa phương có nguồn khoáng sản cát, sỏi tương đối dồi dào ở khu vực miền Trung. Những năm gần đây, hoạt động khai thác cát ở tỉnh khá nhộn nhịp với nhiều bến bãi được mở ra.
Nhu cầu sử dụng cát trên thị trường đang tăng cao |
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng ở địa phương đã quy hoạch 184 mỏ, điểm khai thác cát, sỏi. Với tổng diện tích hơn 1,7 nghìn ha, trữ lượng khoảng 60 triệu m3, UBND tỉnh cũng đã cấp phép cho 28 doanh nghiệp (DN) với 37 giấy phép khai thác cát, sỏi, chủ yếu tập trung ở sông Vu Gia và Thu Bồn.
Những huyện thị có số lượng được cấp phép khai thác cát, sỏi nhiều như ở huyện Đại Lộc 18 giấy phép, thị xã Điện Bàn 10 giấy phép, huyện Duy Xuyên 5 giấy phép... Tổng trữ lượng cát, sỏi theo các giấy phép khai thác khoảng 7,50 triệu m3. Trong đó, cát chiếm đến 96% tương ứng với trữ lượng 7,22 triệu m3, tổng công suất khai thác 1,43 triệu m3/năm.
Mặc dù, đã cấp giấy phép khai thác cát, sỏi cho các DN, song do nhu cầu sử dụng các vật liệu này trên thị trường tăng cao, đặc biệt phục vụ cho địa bàn lân cận là TP. Đà Nẵng, nên tình trạng khai thác cát trái phép ở Quảng Nam diễn biến hết sức phức tạp. Ở nhiều mỏ, lợi dụng việc được cấp phép đã khai thác quá mức. Thậm chí, ở nhiều nơi còn lén lút tổ chức khai thác trái phép. Thực tế, thời gian qua tại Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra hết sức phức tạp, để lại những hệ lụy khó lường.
Trước tình trạng khai thác cát trái phép, chính quyền các địa phương, cơ quan có chức năng ở Quảng Nam cũng đã tổ chức thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Song, nhìn chung vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tập trung xảy ra, chủ yếu trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An, kế đến là sông Vu Gia... gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường gây xói lở bờ sông, đất sản xuất của nhân dân.
Theo ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, trên địa bàn có 3 DN được cấp phép khai thác cát sỏi. Tuy nhiên, tại các mỏ khai thác, chủ mỏ chưa đảm bảo vị trí, thường xuyên xê dịch, mở rộng hoặc khai thác quá độ sâu cho phép dẫn đến tình trạng sạt lở. Đề phòng sạt lở lớn, chính quyền xã phải di dời những hộ dân ven các tuyến sông để tránh hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh, tình hình an ninh trật tự tại các mỏ cũng rất phức tạp do nạn khai thác cát sỏi trộm gây ra… gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt, do lợi nhuận từ việc khai thác cát, sỏi trái phép mang lại khiến các đối tượng “cát tặc” rất liều lĩnh, sẵn sàng chống đối các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy đuổi.
Đóng cửa bãi tập kết cát trái phép
Ngăn chặn những hành vi khai thác cát trái phép, chỉ trong một thời gian ngắn các lực lượng chức năng ở tỉnh Quảng Nam đã lập 12 biên bản vi phạm hành chính, ban hành 8 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 389 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 2 tháng đối với một DN...
Theo nhiều người, nguyên nhân tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn diễn biến phức tạp là do công tác quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm... Bởi vậy, nhằm siết hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tỉnh Quảng Nam đang triển khai những biện pháp “mạnh tay”, quyết liệt hơn. Cụ thể, từ ngày 1/7/2018, Quảng Nam sẽ siết chặt các hoạt động quản lý và lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đang được nhiều người kỳ vọng sẽ lập lại được trật tự kỷ cương trong khai thác cát, sỏi trên địa bàn.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã triệu tập cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để tìm giải pháp nhằm lập lại trật tự cũng như đảm bảo việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn đi vào nền nếp. Tại cuộc họp, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các huyện và chủ tịch UBND các xã, đồng thời lấy địa bàn xã, thôn làm điểm trong đấu tranh, chống khai thác cát, sỏi trái phép, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã. Tỉnh sẽ cho đoàn kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu việc quản lý khai thác cát, sỏi cần phải được quy hoạch trên cơ sở đánh giá trữ lượng, khả năng cung cấp, nhu cầu sử dụng của địa phương và đánh giá đầy đủ tác động đến dòng chảy, môi trường... Riêng khu vực sông Vu Gia, Thu Bồn chỉ cho phép khoảng 10 DN khai thác, hạn chế không cấp phép mới trong thời gian tới.
Đồng thời, tiến hành quy hoạch các bãi tập kết, bến bãi, mỗi địa phương không quá 3 bến bãi với quy mô từ 10 đến 15ha. Chỉ cho phép hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi, từ 6h đến 18h hàng ngày vào mùa hè và từ 6h đến17h vào mùa đông. Đặc biệt, đến ngày 1/7/2018 phải đóng cửa tất cả các bến, bãi không có trong quy hoạch và hết hạn được cấp phép hoạt động hoặc có trong quy hoạch nhưng chưa đủ thủ tục, hồ sơ cấp phép cho hoạt động.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan như, tài nguyên và môi trường, công an, quản lý thị trường... phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp; Bên cạnh, tăng cường vận động người dân tham gia giám sát, quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi sai phạm khai thác khoáng sản trái phép.