Giải bài toán vật liệu cho công trình giao thông Đồng bằng sông Cửu Long
Hạ tầng giao thông yếu kém được xác định là một trong những “điểm nghẽn” kiềm chế sự phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích cả nước, dân số khoảng 18 triệu người. Đồng bằng sông Cửu Long giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, hạ tầng giao thông yếu kém được xác định là một trong những “điểm nghẽn” kiềm chế sự phát triển của khu vực này.
Theo ông Ngô Hoàng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng - Bộ Xây dựng, hạ tầng giao thông của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa kết nối đồng bộ, nhiều đoạn tuyến bị trì hoãn, nhiều tuyến đường bộ còn nhỏ hẹp, chất lượng thấp, đường bộ cao tốc còn rất hạn chế. Vì vậy, khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân khiến giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu và yếu được khẳng định bởi địa hình của vùng bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền địa chất yếu, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó, suất đầu tư xây dựng cao so với các khu vực khác trên cả nước.
Do đó, số lượng km đường hay công trình giao thông như cầu cống…ít hơn so với khu vực khác. Nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án giao thông quy mô lớn đã và đang được khởi động tại khu vực này.
Ông Ngô Hoàng Nguyên cho biết, trước những dự án giao thông lớn đồng loạt triển khai như vậy nên nhu cầu vật liệu cát san lấp là rất lớn (khoảng 54 triệu m3), chủ yếu tập trung trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu.
Với hai dự án thành phần cao tốc phía Đông đoạn từ TP. Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,07 triệu m3, đến nay mới chỉ giải quyết được khoảng 3 triệu m3 cho cả hai dự án thành phần.
Trong số các mỏ đang khai thác, nhiều mỏ có chất lượng không đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường, nguồn vật liệu đáp ứng yêu cầu chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Ngô Hoàng Nguyên đề xuất đơn giản hoá các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng cao công suất các mỏ cát đang khai thác.
Đồng thời, cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa, đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường, nguy cơ sạt lở theo đúng quy định của pháp luật.
Như tại tỉnh Đồng Tháp tăng công suất 2 mỏ và mở 2 mỏ mới, cung cấp cho dự án gần 1,9 triệu m3 (0,371 triệu m3 tăng 50% công suất và 1,52 triệu m3 mở mỏ mới).
Đặc biệt, theo ông Nguyên, cần tìm các giải pháp thiết kế các dự án giao thông đường bộ bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xem xét phương án thiết kế cao độ tuyến phù hợp (hoặc thay thế bằng cầu cạn) để giảm khối lượng vật liệu san lấp và tác động đến dòng chảy tiêu thoát lũ hoặc tạo thành vùng úng, ngập khi có mưa, triều cường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, các nhà thầu tổ chức triển khai phương án thi công phù hợp để bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Nghiên cứu thử nghiệm nguồn cát biển và các vật liệu khác, đề nghị các cơ quan chuyên môn về xây dựng tham mưu UBND cấp tỉnh xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế như cát nghiền từ đá, tro xỉ... để cung ứng cho các dự án đường cao tốc và các công trình dân dụng.
Ngoài ra, kết quả thí nghiệm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy, cát biển tại khu vực lấy mẫu có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường. Tuy nhiên, để đi đến quyết định sử dụng cát biển làm dự án đường bộ thì cần phải thí nghiệm nhiều mẫu thử hơn và quan trắc theo dõi thời gian dài để có các đánh giá chính xác.
Ông Võ Tấn Dũng - Công ty CP Công nghệ Cát sạch Phan Thành Cần Thơ, cho biết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Quyết định số 1266/QĐ-TTg là thiết thực khi kinh tế hội nhập thích ứng với nền khoa học hiện đại của thế giới thời kỳ 4.0 nên cần triển khai tuyển rửa cát sạch tại mỏ, giúp toàn dân được dùng cát sạch để nhà cửa, công trình bền vững cả trăm năm.
Cát được tuyển rửa sạch tại vùng mỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính Trị và Quyết định 1266 của Thủ Tướng Chính Phủ sẽ khắc phục thiệt hại và mang lại nhiều lợi ích.
"Công ty của chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ tuyển rửa cát đồi núi, cát sông suối, cát biển với tỷ lệ bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ dưới 1,5% và muối dưới 0,01% đối với cát biển sau tuyển rửa dùng cho bê tông dự ứng lực và dưới 0,05% đối với bê tông thông thường, thiết bị được sản xuất theo quy mô công nghiệp và tuyển rửa cát với quy mô công nghiệp đạt công suất từ 100 - 300 m3/giờ/thiết bị", ông Võ Tấn Dũng chia sẻ.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, giai đoạn 2021-2025, Đồng bằng sông Cửu Long được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước 90 nghìn tỷ đồng, với 11 dự án thành phần nhưng nguồn vốn này cũng chỉ đáp ứng được 49% tổng vốn đầu tư.
TS. Cần Văn Lực đề xuất cần đẩy nhanh hoàn thành các quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA.
Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại, phát huy vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây phải là ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển chủ lực phát triển cơ sở hạ tầng.