Khai thác cát trái phép và những hệ lụy
Kỳ I: Công khai như… "cát tặc"
Móc "ruột" các dòng sông…
Sông Lam - đoạn chảy qua các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An)... là khu vực mà "cát tặc" hoạt động rầm rộ và công khai nhất. Cùng trên địa bàn Nghệ An, các con sông Hiếu, sông Con... cũng đang bị "cát tặc" ngày đêm đục khoét.
“Cát tặc” khai thác cát sát cầu Yên Xuân (Hưng Nguyên)
Từ TP. Vinh, ngược theo tuyến đường ven sông Lam phẳng lỳ, mới chỉ đến khu vực chân núi Dũng Quyết (phường Trung Đô – TP. Vinh) đã ghi nhận những hình ảnh đầu tiên về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam. Những chiếc sà lan tấp nập qua lại để đổ cát lên các bến cát nằm sát bờ sông Lam, với hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ đang vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Qua quan sát, khu vực chân cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2, có đến 4-5 điểm tập kết cát mà nguồn gốc hầu hết từ khai thác trái phép.
Đi ngược lên khoảng vài km nữa, sông Lam đoạn chảy qua cầu Yên Xuân cũng là khu vực “cát tặc” hoạt động tấp nập và rầm rộ. Hai bên sông, nằm ngay sát chân cầu Yên Xuân, bờ Đông có hai bến cát thuộc xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) và bến cát bờ Tây thuộc địa phận xã Nam Cường (Nam Đàn), luôn có tàu bè, sà lan ra vào rất tấp nập... chúng đều hoạt động trái phép.
Bà Nguyễn Thị Mùi, xã Nam Thượng (Nam Đàn) cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra đã hàng chục năm nay. Họ chỉ nghỉ vào những ngày mưa lũ, ngoài ra làm cả ngày lẫn đêm khiến cho sông Lam bị ô nhiễm, nguồn nước lúc nào cũng đục ngầu, bờ sông sạt lở nghiêm trọng...
Men theo quốc lộ 48, ngược lên thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn đều không khỏi xót xa trước cảnh tượng nhốn nháo của tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hiếu. Đứng trên cầu Hiếu phóng tầm mắt ra phía lòng sông là một đại công trường khai thác cát đang diễn ra rất khẩn trương. Hàng chục chiếc sà lan, tàu bè đang vươn vòi xuống lòng sông hút cát, tiếng máy nổ đinh tai, nhức óc. Dòng sông nổi sóng đục ngầu. Trên bờ là hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ đang xếp hàng chờ đến lượt bốc cát, tiếng còi xe, tiếng người mua bán nhốn nháo, ồn ào khắp một khúc sông.
Theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Thái Hòa, toàn thị xã có đến 45 thuyền nốc khai thác cát trái phép. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Đàn cũng cho biết, số lượng sà lan, thuyền nốc còn "khủng" hơn, khi có đến hơn 42 hộ gia đình có thuyền nốc hoạt động khai thác cát trái phép (có hộ có từ 2-3 chiếc) và 20 đơn vị, hộ cá thể có bến tập kết, kinh doanh cát sạn.
Còn Phòng Công thương huyện Tân Kỳ cho rằng, toàn huyện có trên 60 km đường bờ sông, có 14 bến bãi kinh doanh cát sỏi, 31 phương tiện kinh doanh khai thác cát sỏi dọc sông Con của 30 hộ cá nhân, cơ sở khai thác...
… Uy hiếp những cây cầu
Huyện Tân Kỳ, một trong những huyện có tình trạng khai thác cát trái phép khá nghiêm trọng và chúng đang đe dọa tới an toàn của những cây cầu bắc ngang sông Con cũng là an toàn của người dân qua cầu.
Ví dụ, ngay phía dưới chân cầu Rỏi, thị trấn Tân Kỳ (Tân Kỳ), có một bến cát hoạt động khá nhộn nhịp. Nhiều máy xúc đang hối hả "ngoạm" cát lên xe ô tô. Một số người dân địa phương cho biết, vào ban đêm, các thuyền thường vào hút cát trộm ngay trụ móng chân cầu. Hay như cầu Đò Sen, nối hai xã Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) hàng ngày cũng có khá nhiều thuyền hút cát gần chân cầu.
Đặc biệt, xã Nghĩa Bình là địa phương khá “nổi cộm” về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở huyện này. Bãi Lạch xóm 12 và gần cầu treo Nghĩa Bình, là 2 bãi khai thác cát khá lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của cây cầu trong mùa mưa bão.
Khu vực chân cầu Rộ (huyện Thanh Chương), tình trạng nhiều đối tượng khai thác cát trái phép lén lút đưa sà lan vào chân cầu hút cát cũng thường hay diễn ra, nhất là vào ban đêm hoặc những ngày trời mưa. Điều này cũng đang khiến cho cây cầu trăm tỷ đồng "lâm nguy" trong sự bất lực của chính quyền sở tại.
Các cây cầu Nam Đàn, cầu Yên Xuân, cầu Bến Thủy... đều cũng trong hoàn cảnh tương tự vẫn đang ngày đêm khai thác. Vì lợi nhuận, chúng bất chấp sự an nguy đến tính mạng của những người dân thường xuyên lưu thông trên cầu, nhất là trong mùa mưa bão.
Trên tuyến quốc lộ 48 cũng không có gì khá hơn khi cây cầu Hiếu bắc qua sông Hiếu nằm ngay giữa lòng thị xã Thái Hòa cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác, mua bán cát sỏi đang diễn ra ngay phía dưới chân cầu và quy mô của các hoạt động ngày càng lớn. Một người dân ở phường Hòa Hiếu lo lắng, cầu Hiếu là cây cầu cực kỳ quan trọng nối miền xuôi với các huyện miền núi Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong...
Vậy mà, một nhóm người đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây cầu này khiến cho người dân hết sức lo lắng. Nếu chính quyền không có các biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác và tập kết mua bán cát sỏi ở dưới chân cầu thì e rằng chẳng bao lâu nữa cây cầu này sẽ thực sự lâm nguy...
Kỳ cuối: Bài toán nan giải
Bài và ảnh Đình Tiệp