Mở hầu bao cho kinh tế tập thể
Hệ thống QTDND: Tạo đà phát triển kinh tế tập thể | |
Tín dụng hướng tới kinh tế tập thể | |
Kinh tế tập thể bén rễ |
Giữa tháng 7, Bộ NN&PTNT và một số tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ đã công bố triển khai Đề án: “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”.
Theo đó, để thực hiện đề án này, các địa phương sẽ chọn lọc ra khoảng 300 HTX tiêu biểu hoạt động trong các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả để tiến hành thí điểm hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới. Trong năm 2016 các HTX sẽ được chọn lọc và tổ chức lại hoạt động cho phù hợp với Luật Hợp tác xã 2012. Tiếp đó sẽ xây dựng liên hiệp HTX quy mô cấp tỉnh vào năm 2017 và tiến tới hình thành quy mô liên hiệp HTX cấp vùng vào các năm 2018-2020.
Để tạo ra nền tảng tài chính nhằm triển khai đề án thí điểm nói trên, ngay tại diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Hậu Giang mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã ký kết biên bản ghi nhớ với Agribank.
Ảnh minh họa |
Theo đó, NH này cam kết sẽ cung cấp các gói sản phẩm cho vay chuỗi cung ứng lúa gạo, trái cây, thủy sản, bao gồm: dịch vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, cơ chế chính sách ưu đãi cho vay các DN, HTX trong các chuỗi giá trị. Agribank còn cung cấp các khoản tín dụng thương mại nhằm hỗ trợ các DN, HTX nông nghiệp đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác; liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Có thể nói ngay, việc ký kết biên bản hợp tác giữa Agribank và Cục Kinh tế hợp tác là một dấu hiệu tích cực cho thấy dòng vốn từ các NHTM đã bắt đầu chú trọng đầu tư vào khối kinh tế tập thể mà nhiều năm nay ít được quan tâm. Việc ký kết này cho thấy rằng bản thân các NHTM đã có sự thay đổi trong nhận thức về chủ thể vay vốn ở khối kinh tế nông nghiệp – nông thôn. Đó là các chuỗi liên kết DN – nông dân và các đơn vị kinh tế tập thể (HTX, tổ hợp tác) chứ không còn là hộ cá thể hoặc các DN đơn thuần hoạt động thương mại.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy rằng, ngay trong chương trình thí điểm cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết 14, các NHTM đã bắt đầu chú trọng vào các đơn vị kinh tế tập thể. Chẳng hạn, đối với mô hình sản xuất rau quả của CTCP Rau quả An Giang, nguồn vốn tín dụng đã được Agribank đầu tư trực tiếp vào HTX Thành Lợi để gần 200 hộ nông dân của HTX này liên kết với DN sản xuất các loại rau củ chế biến xuất khẩu.
Hay tại Đồng Tháp, mô hình sản xuất lúa gạo của Công ty Lộc Anh đã được NCB cho vay vốn trên 100 tỷ đồng. Nguồn vốn được đầu tư trực tiếp vào 3 HTX Tân Tiến, Tân Cường và Phú Bình để các đơn vị này liên kết với DN sản xuất lúa gạo xuất khẩu trên diện tích hơn 1.700 ha tại huyện Tam Nông.
Theo đánh giá của các NHTM việc cho vay vốn vào các mô hình liên kết giữa DN với HTX theo chương trình cho vay thí điểm có độ an toàn rất cao. Việc cấp vốn tín dụng được chia thành từng giai đoạn của chuỗi sản xuất mang tính gối đầu nên phía NH kiểm soát được dòng tiền.
Chính vì vậy, nếu NHNN tiếp tục thực hiện nhân rộng chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14, thì nhiều khả năng hàng loạt các HTX sẽ được các NHTM chọn lựa là đối tượng đầu tư vốn. Và vô hình trung chính đề án thí điểm xây dựng 300 HTX kiểu mới mà các địa phương bắt đầu thực hiện trong thời điểm hiện nay sẽ tạo ra nguồn “khách hàng” tiềm năng cho các NHTM chuyển đổi mô hình cấp vốn vào khối kinh tế tập thể trong những năm kế tiếp.