Môi trường đầu tư Việt Nam xấu đi trong mắt DN Nhật
Kết quả bất ngờ
“Chính chúng tôi cũng thấy khá sốc vì kết quả nhận được xấu hơn so với kỳ vọng”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội cho biết. Sở dĩ kết quả này kém đi và ngoài dự đoán của Jetro vì tất cả 5 hạng mục rủi ro hàng đầu trong đầu tư đều tăng cao, đủ để kết luận là môi trường đầu tư Việt Nam đã có phần kém đi trong năm 2015.
Ảnh minh họa |
Một trong những rủi ro lớn nhất mà các DN Nhật Bản quan ngại là Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch. Với chỉ số này, Việt Nam tiếp tục trụ vững ở vị trí thứ 3 về mức độ rủi ro giống như năm 2014, chỉ đứng sau Campuchia và Indonesia, trong khi kém Myanmar và Bangladesh, những nền kinh tế được đánh giá là kém phát triển hơn.
Không những vậy, tỷ lệ DN đánh giá hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch còn tăng lên tới 3 điểm % so với năm trước đó, đạt mức 63,3%.
Hai yếu tố rủi ro khác là thủ tục hành chính phức tạp và cơ chế, thủ tục thuế phức tạp cũng bị đánh giá xấu hơn so với năm trước. Số DN chấm điểm rủi ro cho các yếu tố này đã tăng lên lần lượt là 8,4 và 2,3 điểm %. Yếu tố cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện cũng tăng tới 6,1 điểm % về mức độ rủi ro trong mắt các NĐT.
Bên cạnh đó, quan ngại về lương cho nhân viên sở tại đã tăng 3,5 điểm %, lên tới 77,9%, trong số những vấn đề trong kinh doanh tại Việt Nam. Các vấn đề như khó quản lý chất lượng, chất lượng nhân viên cũng khiến NĐT Nhật Bản lo lắng hơn, thể hiện ở số DN “chỉ mặt, điểm tên” những vấn đề này đã tăng lên trong khảo sát vừa qua. Như vậy so với năm 2014 thì đánh giá của DN Nhật Bản về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong năm 2015 đã tồi đi, không có cải thiện, thậm chí xấu hơn so với năm trước.
Vấn đề đáng chú ý khác là tỷ lệ nội địa hoá của DN Nhật Bản tại Việt Nam đã giảm nhẹ (1,1 điểm %) so với năm trước, đạt mức 32,1%. Điều này cho thấy chưa có sự thay đổi hay gia tăng về tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam. Hiện nay tỷ lệ này cao hơn Philippines (26,2%), tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (64,7%), Thái Lan (55,5%), Indonesia (40,5%)…
Đáng nói hơn là, trong cơ cấu DN cung cấp nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho DN Nhật Bản gồm 3 thành phần: DN bản địa, DN Nhật đầu tư tại Việt Nam, và DN nước ngoài khác đầu tư tại Việt Nam, thì tỉ lệ cung cấp của DN bản địa cũng giảm, chỉ chiếm 41,2%. Như vậy nếu tính một cách chi tiết hơn, thì tỷ lệ nội địa hoá từ chính DN nội địa Việt Nam chỉ có 13,2%, cũng thấp hơn mức 14,4% của năm 2014.
Dẫn kết quả khảo sát, ông Kawada cũng cho biết số DN hoạt động có lãi đã giảm nhẹ. Tỷ lệ DN trả lời “có lãi” là 58,8%, vẫn chiếm trên một nửa số DN như các năm trước, song lại giảm 3,5 điểm % so với năm trước. Trong khi đó số DN trả lời “lỗ” là 26,2%, tăng 1,3 điểm % so với năm trước.
Với thực trạng hoạt động như vậy, thì 63,9% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng. Con số này tuy chiếm đa số, song lại tiếp tục ghi dấu sự thụt lùi chậm rãi, khi so với năm 2014 là 66% và năm 2013 là 70% DN muốn mở rộng hoạt động.
Niềm tin tiếp tục níu chân NĐT
Dù kết quả chung không mấy tích cực, song niềm tin về sự khởi sắc của nền kinh tế trong tương lai dường như vẫn duy trì kỳ vọng và thôi thúc NĐT Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam. “Theo tôi hiểu dù các DN đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại, nhưng họ vẫn đánh giá có nhiều yếu tố khả quan về lợi nhuận lâu dài, nên họ vẫn muốn mở rộng với hi vọng vào sự tăng trưởng của thị trường”, ông Kawada chia sẻ.
Nếu so sánh con số 63,9% này với các quốc gia xung quanh, thì kết quả cũng không quá tồi, ông Kawada phân tích. Bởi tỷ lệ này trong năm qua chỉ đạt 38,1% tại Trung Quốc, hay khá hơn như Philippines là 55,1%, Indonesia là 51,9%... Nhìn chung trong khu vực ASEAN thì số DN Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực.
Khoảng 85% DN cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là “tăng doanh thu”. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo thì khoảng 65% số DN cho rằng lý do chính là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”. Lý do thứ 2 là khả năng tăng trưởng cũng như các tiềm năng của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 45,9%.
Đặc biệt đối với khối phi chế tạo, có hơn 65% DN kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng cũng như tiềm năng của Việt Nam thời gian tới. Nhìn vào số liệu này, có thể hi vọng vào việc tiếp tục mở rộng kinh doanh vào lĩnh vực dịch vụ cũng như phi chế tạo.
Ngoài ra, yếu tố thuận lợi nhất mà DN đánh giá là chi phí nhân công rẻ. Nếu xét về yếu tố chi phí nhân công, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong số 15 quốc gia được khảo sát. Các yếu tố thuận lợi khác là tình hình chính trị, xã hội ổn định; môi trường sống cho nhân viên thường trú tốt; quy mô thị trường/khả năng tăng trưởng.
“Cá nhân tôi lạc quan về triển vọng và xu thế đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam thời gian tới”, Trưởng đại diện Jetro nhận định. Bởi theo ông, dù kết quả muốn mở rộng sản xuất kinh doanh giảm hơn các năm trước, nhưng nếu so với các quốc gia khác thì tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn tương đối cao và rất khả quan.