MoMo và hành trình một thương hiệu
Ví điện tử MoMo nhận Chứng nhận Bảo mật quốc tế | |
MoMo công bố hai nhà đầu tư chiến lược |
Câu chuyện khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ tài chính của MoMo dường như là minh chứng rõ ràng cho kết hợp nhịp nhàng giữa các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và NHTM trong thời buổi ngân hàng số ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo.
Ý tưởng từ người bán sim điện thoại
Mở đầu câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của thương hiệu ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch điều hành CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến – M_Service kể lại, ý tưởng “ví điện tử trên di động” của công ty ban đầu chẳng có gì là rõ ràng và cụ thể.
“Khoảng đầu năm 2007 một trong những người sáng lập công ty – lúc đó là chị Hiền. Chị ấy kinh doanh ở mảng xuất khẩu lúa gạo và cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông. Trong quá trình đi lại nhiều nơi, chị ấy nhận thấy xu hướng dùng điện thoại di động của người dân mỗi ngày mỗi nhiều.
Nếu có thể cung cấp một sản phẩm, dịch vụ nào đó giúp cho người dân thanh toán các hóa đơn mua sắm thông qua điện thoại di động thì sẽ thu hút được một lượng khách hàng rất lớn” – ông Diệp kể.
Từ ý tưởng sơ giản đó, nhóm sáng lập M_Service hình thành sản phẩm thẻ nạp tiền di động (simcard đa năng) và bán sản phẩm này cho đại lý của các nhà mạng di động tại Việt Nam.
Sau gần một năm triển khai bán hàng, hệ thống phân phối simcard đa năng của M_Service nhanh chóng tăng lên con số hàng trăm ngàn điểm bán lẻ. Ngay lúc đó công ty vấp phải khó khăn đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp đó là việc thu tiền. Do không thể thu và nộp tiền qua điện thoại nên các điểm bán lẻ của M_Service buộc phải chuyển tiền bán sản phẩm về công ty theo cách truyền thống là thu tiền mặt của từng khách hàng rồi mang về trụ sở.
Làm sao để tự động hóa khâu thu tiền? Làm sao để khách hàng chỉ mất 1-2 giây là có thể thanh toán tiền mua các sản phẩm simcard đa năng? Và làm thế nào để thông qua chiếc simcard vừa mua, khách hàng có thể nạp tiền, rút tiền và chuyển tiền thuận tiện?...
Những câu hỏi đấy đã thúc bách nhóm sáng tạo của M_Service nghĩ về dịch vụ “mobile money” – một loại dịch vụ tài chính trên điện thoại di động mà thời điểm năm 2008, tại Việt Nam chưa từng có tiền lệ.
Nhóm cất công lặn lội qua Philippines và một số nước trong khu vực châu Á để học hỏi kinh nghiệm. May mắn đầu tiên đến với họ khi gặp được Quỹ Bill & Melinda Gates. Thông qua nguồn tiền tài trợ từ quỹ này, M_Service được giới thiệu đến Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA) và được hướng dẫn về quy trình tạo dựng sản phẩm ví điện tử trên điện thoại di động.
Từ simcard đến phần mềm chuyên dụng
Về nước với ý tưởng ví điện tử vừa học hỏi được từ GSMA, M_Service bắt tay ngay vào việc hình thành sản phẩm công nghệ điện tử vốn chưa từng có đơn vị nào trong nước đầu tư thực hiện.
Cách thức để hình thành một cái ví điện tử thì có rồi nhưng ví sẽ có những tác dụng gì? Làm thế nào để có thể nạp tiền, rút tiền trong ví? Làm thế nào để người dùng ví có thể thanh toán? Ai sẽ là người cấp phép cho ví điện tử hoạt động?...
Nghĩ là làm, đầu năm 2008 nhóm sáng lập M_Service trình Đề án ví điện tử MoMo của mình đến NHNN. Để thuyết phục cơ quan quản lý, công ty đích thân mời đại diện NHNN đi Philippines thị sát cách làm của một số đơn vị đã triển khai ví điện tử thành công.
Tại Philippines, đoàn của NHNN đã tham quan mô hình ví điện tử trên di động tại các nhà mạng Global và Smart. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) cũng có buổi làm việc trao đổi về cách thức triển khai sản phẩm ví điện tử và các dịch vụ tài chính thông qua điện thoại di động.
M_Service cầm chắc giấy phép thí điểm hoạt động của mình sau chuyến đi ấy. Và họ bắt đầu hợp tác với Vietcombank. Ban đầu cách thức tạo ví điện tử của M_Service phụ thuộc vào simcard đa năng. Nhiều dịch vụ phối hợp giữa ví điện tử MoMo với Vietcombank như chuyển tiền, thanh toán tiền được thực hiện trên simcard.
Tuy nhiên, thời điểm đó, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh rất hạn chế. Mạng internet và 3G cũng chưa phủ sóng ở nhiều vùng nông thôn. Để lấp đầy khoảng trống này, M_Service đề xuất Vietcombank áp dụng hình thức đại lý ví điện tử dựa trên kênh phân phối là các đại lý bán simcard điện thoại và các điểm giao dịch của các nhà mạng truyền thống.
Với cách này, người dân có nhu cầu chuyển tiền, thanh toán tiền chỉ cần đến các đại lý của MoMo để thực hiện giao dịch. Nhân viên của ví điện tử MoMo sẽ giúp khách hàng chuyển tiền, thanh toán tiền thông qua tài khoản trên điện thoại di động.
Nhưng khó khăn một lần nữa thách thức những người làm công nghệ. Việc sử dụng simcard đa năng làm nền tảng để thực hiện các giao dịch điện tử bó hẹp người dùng ví MoMo phải sử dụng một loại mạng viễn thông nhất định. Chưa kể rằng thao tác trên simcard tương đối phức tạp và khó sử dụng.
Năm 2012, M_Service quyết định đầu tư viết riêng một ứng dụng chuyên biệt dùng trên điện thoại di động. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng này về điện thoại là có thể sử dụng tất cả các dịch vụ của ví điện tử MoMo một cách nhanh chóng, trực quan và tiện lợi. Song song đó, M_Service liên kết thêm với nhiều hãng bán lẻ, nhiều NHTM và các công ty tài chính để khai thác hàng loạt các dịch vụ trên ví điện tử.
Do có sẵn mạng lưới hàng trăm ngàn điểm giao dịch, cộng thêm liên kết với các nhà mạng viễn thông, hệ thống điểm giao dịch của ví điện tử MoMo nhanh chóng lan rộng ở các tỉnh thành, trở thành cánh tay nối dài đắc lực của các NHTM khi làm trung gian bán các sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô như: thu hộ tiền điện, tiền nước, thanh toán hóa đơn mua hàng, thanh toán trực tiếp tại siêu thị, thanh toán vé máy bay, trả tiền taxi, đăng ký vay tiêu dùng…
Giấc mơ 500 mét một điểm giao dịch
Bằng cách thức mở rộng mạng lưới điểm giao dịch, ví điện tử MoMo nhanh chóng thu hút hàng triệu khách hàng đăng ký tài khoản và sử dụng. Đến thời điểm hiện nay, theo thống kê của M_Service số người sử dụng ví MoMo đã lên tới con số gần 2 triệu. Hệ thống điểm giao dịch của MoMo hiện đã có mặt ở 45 tỉnh thành, cung cấp khoảng 200 dịch vụ tài chính tiện ích và nhanh gọn.
Ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ, ngay trong năm 2017, MoMo sẽ đẩy mạnh kết hợp với các NHTM và các công ty tài chính để đưa vào ví MoMo các dịch vụ cho vay tiêu dùng trả chậm.
Hiện công ty đã nhận được một khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs để phát triển dịch vụ thanh toán cho người thu nhập thấp tại Việt Nam. Do vậy trong các năm tới MoMo sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới điểm giao dịch của mình về các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa…
“Chúng tôi hy vọng là đến hết năm 2017, hệ thống điểm giao dịch của MoMo sẽ đạt mức 10.000 điểm. Sau đó chúng tôi sẽ đặt mục tiêu xây dựng khoảng 50-100 điểm ở mỗi tỉnh thành. Làm sao để cứ 500 mét là người dân có một điểm giao dịch MoMo để sử dụng dịch vụ.
Từ 7 giờ sáng ra khỏi nhà đến 5 giờ chiều tan sở, làm sao để tất cả các khách hàng đều có thể sử dụng hết các dịch vụ của MoMo. Như thế là một thành công vô cùng lớn” – ông Diệp nói.
Làm sao để tự động hóa khâu thu tiền? Làm sao để khách hàng chỉ mất 1-2 giây là có thể thanh toán tiền mua các sản phẩm simcard đa năng?... Những câu hỏi ấy đã thúc bách nhóm sáng tạo của M_Service. |