Mòn mỏi chờ cải cách thể chế kinh tế
Khởi nghiệp từ cuối những năm 1990 và nay đã xây dựng được ít nhiều uy tín trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện và thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng, cho rằng môi trường kinh doanh đã có rất nhiều thay đổi so với thời ông mới khởi nghiệp.
Nếu thể chế kinh tế thay đổi mạnh hơn nữa thì quy mô doanh nghiệp sẽ được mở rộng |
Theo ông Dũng, việc kinh doanh nay đã thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Nhưng dù vậy, với ông Dũng sự thay đổi cũng chưa được như kỳ vọng.
“Không có một sự thay đổi đột biến, hoàn toàn về thể chế kinh tế như thời kỳ bắt đầu đổi mới. Nói chung, vẫn chưa có một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước,” ông Dũng nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn thương trường của mình, ông Dũng tin rằng nếu thể chế kinh tế thay đổi mạnh hơn nữa, đặc biệt là các quy định về pháp luật kinh doanh thông thoáng hơn, có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Nhà nước thì quy mô doanh nghiệp của ông cũng đã mở rộng hơn rất nhiều so với quy mô của một doanh nghiệp có 70 nhân công hiện tại.
Mong mỏi của ông Dũng thực ra cũng là nỗi niềm của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác vào thời điểm hiện tại.
Không thể phủ nhận những thành tựu của chính sách đổi mới thể chế kinh tế đã được tiến hành từ năm 1986. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một giai đoạn suy giảm kéo dài.
Thực tế tại Việt Nam, đã có nhiều tiến bộ đáng kể về thể chế kinh tế thị trường trong 3 năm qua. Ví dụ như Hiến pháp 2013 đã nâng cao quyền tự do kinh doanh với quy định rằng quyền tự do kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế hay cấm bởi luật.
Hơn nữa, Luật Đầu tư 2014 đã giảm nhiều sự bất ổn định trong môi trường kinh doanh bằng cách nêu rõ những lĩnh vực cấm đầu tư và những lĩnh vực cần xin phép. Tuy vậy, ngay chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thừa nhận rằng cải cách thể chế tại Việt Nam vẫn chưa làm được nhiều.
Theo ông Vinh, yếu kém của khu vực tư nhân một phần là do tính không ổn định, không nhất quán của môi trường thể chế. Một báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, gần 2500 văn bản quy phạm pháp luật và hành chính có dấu hiệu vi phạm quy định về xây dựng pháp luật trong giai đoạn 2009-2012 nhưng rất ít bị yêu cầu hủy bỏ. Số thông tư và văn bản hành chính đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đạt gần 4500 văn bản năm 2014.
Theo khảo sát chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, chỉ 11% doanh nghiệp đồng ý rằng chính sách, pháp luật của trung ương là có thể dự đoán được. Điều này gây ra chi phí lớn hơn cho doanh nghiệp khi tìm hiểu và tuân thủ pháp luật.
Nhưng điều mà nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn tỏ ra thất vọng nhất chính là sự phân biệt đối xử trên thị trường. Dù hiện tại tất cả các quy định pháp luật đều được áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhưng như ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của Công ty chứng khoán SSI nói thì doanh nghiệp Nhà nước vẫn có một vị thế thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân khó mà len chân vào được.
Theo ông Hưng, các doanh nghiệp tư nhân không cần một sự hỗ trợ khác biệt hay ưu đãi riêng, mà là sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, điều đó cho đến nay có lẽ vẫn là điều xa xỉ với nhiều doanh nghiệp tư nhân.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, doanh nghiệp Nhà nước nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và một phần lớn tín dụng doanh nghiệp. Thêm vào đó, ước tính doanh nghiệp Nhà nước sử dụng khoảng 70% diện tích đất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc lãi không đáng kể.
Sau 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn yếu và mong manh. Điều đáng lo hơn là khi các doanh nghiệp tư nhân gia tăng quy mô, thì hiệu quả lại kém hơn. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy doanh thu trên tài sản và doanh thu trên lao động của các doanh nghiệp có trên 300 công nhân lại thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp có dưới 100 công nhân.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay có đặc điểm là cạnh tranh yếu và không công bằng dưới dạng độc quyền doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước vẫn nắm độc quyền và ấn định giá ở những yếu tố đầu vào chính như năng lượng và đất.
“Chính phủ nên thu hẹp các lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư nhằm tạo ra không gian lớn hơn cho khu vực tư nhân phát triển, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ và hạ tầng. Ở đâu đầu tư Nhà nước là không cần thiết, thì Chính phủ nên rút lui hoàn toàn khỏi các hoạt động thương mại và đầu tư phần vốn thu vào những lĩnh vực cần đầu tư công hơn, bao gồm hạ tầng, giáo dục và y tế”, ông Dương nói trong một hội thảo do VCCI tổ chức gần đây.